Hội nghị báo chí toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2022
(BĐ) - Sáng 24.12, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT và Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến từ điểm cầu chính Ban Tuyên giáo Trung ương đến điểm cầu tại các địa phương trong toàn quốc.
Đến dự và chỉ đạo hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Dự hội nghị tại điểm cầu Bình Định có các đồng chí: Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Huỳnh Thanh Xuân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; cùng lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Bình Định. Ảnh: N. HÂN
Báo cáo tại hội nghị thống nhất đánh giá, năm 2021, lĩnh vực báo chí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực: Công tác chỉ đạo báo chí, quản lý báo chí được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục. Công tác quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 tiếp tục được triển khai; phát triển báo chí theo định hướng của Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Chú trọng, tăng cường bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ phóng viên, nhà báo; thực hiện tốt quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam.
Các cơ quan báo chí chủ động đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu của các chương trình, tin, bài, đặc biệt là các tuyến tin, bài thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; bảo vệ chủ quyền biển đảo; truyền thông công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các hoạt động phát triển KT-XH...
Tuy nhiên, công tác báo chí năm 2021 cũng còn một số hạn chế, trong đó, sự phối hợp giữa cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý với cơ quan chủ quản trong quản lý báo chí có lúc, có nơi còn chưa chủ động, kịp thời; một số trường hợp, thông tin trên báo chí còn chậm, chưa kịp thời định hướng dư luận xã hội, nhất là các vụ việc phức tạp, nhạy cảm; vẫn còn tình trạng cơ quan báo chí thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích; tình trạng phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên vi phạm bị xử lý kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự, có dấu hiệu gia tăng...
Với tinh thần dân chủ, nghiêm túc, trách nhiệm, hội nghị cũng dành thời gian nghe đại biểu tham luận, trao đổi, chia sẻ về các vấn đề cần quan tâm trong công tác báo chí hiện nay cũng như đời sống báo chí - truyền thông; nhận diện xu hướng, thách thức. Từ đó xác định những nhiệm vụ, giải pháp cho năm 2022 và trong giai đoạn tới.
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Năm 2022 là năm có ý nghĩa nền tảng, bản lề trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đòi hỏi các cơ quan báo chí, đội ngũ người làm báo và các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cần phát huy kết quả năm 2021, nhận diện đầy đủ, nghiêm túc, nhanh chóng khắc phục những tồn tại, hạn chế để tiếp tục nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao hơn nữa hoàn thành tốt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Đồng chí đề nghị cần tiếp tục nâng cao nhận thức, quán triệt sâu sắc hơn về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cần không ngừng tìm tòi, đổi mới sáng tạo trong tuyên truyền về Nghị quyết Đại hội XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; thông tin đầy đủ, kịp thời những diễn biến quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch; tăng cường các chuyên trang, chuyên mục về văn hóa, quan tâm công tác thông tin đối ngoại....
NGUYỄN HÂN