Tổng kết mô hình xây dựng chuỗi liên kết đậu phụng
(BĐ) - Sáng 24.12, tại TP Quy Nhơn, Liên hiệp các Hội KH&KT Bình Định phối hợp với Quỹ môi trường toàn cầu (GEF) tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Xây dựng chuỗi liên kết nâng cao hiệu quả sản xuất lạc của vùng sản xuất lạc thích ứng biến đổi khí hậu (Bình Định, Phú Yên và Quảng Trị) nhằm cải thiện sinh kế cho phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số” (gọi tắt là dự án chuỗi liên kết đậu phụng).
Dự án được Chương trình tài trợ các Dự án nhỏ thuộc Quỹ Môi trường toàn cầu (UNDP.GEF/SGP) tài trợ, triển khai tại 3 điểm: Huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) và huyện Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên), với hai mục tiêu chính là nâng cao năng lực của các bên tham gia; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất đậu phụng giữa doanh nghiệp - HTX nông nghiệp - nông dân liên vùng (trong tỉnh) và chuỗi liên kết liên tỉnh (Bình Định - Phú Yên - Quảng Trị).
Qua 2 năm triển khai, dự án đã hoàn thành đúng kế hoạch và mục tiêu đề ra. Dự án đã đào tạo, nâng cao năng lực cho 1.160 người là trưởng nhóm và nông dân vùng dự án, trong đó tỷ lệ nữ đạt 49%. Dự án đã xây dựng 3 mô hình thâm canh đậu phụng đạt tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng 3 chuỗi liên kết sản xuất đậu phụng. Đến nay, các huyện vùng dự án đều đã đưa cây đậu phụng vào kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 như là cây trồng trọng điểm, có chính sách hỗ trợ, mở rộng diện tích sản xuất đậu phụng thâm canh, VietGAP gắn với xây dựng liên kết chuỗi, phát triển sản phẩm OCOP từ đậu phụng.
Hơn hết, đậu phụng trở thành cây làm giàu trên vùng đất cát, biến đổi khí hậu. Tại mô hình sản xuất đậu phụng trên diện tích 5 ha ở thôn Thuận Hạnh, xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn của Bình Định, năng suất đậu phụng trong dự án vụ Đông Xuân 2020-2021 đạt 47,3 tạ/ha, so với đậu trồng ngoài mô hình tăng 4 tạ/ha; lợi nhuận mô hình dự án tăng 21% so với ngoài dự án. Người dân cũng thay đổi tư duy sản xuất và chính quyền các địa phương quan tâm hơn đến việc phát triển cây đậu phụng.
HỒNG HÀ