Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi):
Vẫn còn quan điểm khác nhau về thẩm quyền ra quyết định thi hành án
Một trong những nội dung mà kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đang diễn ra sẽ xem xét cho ý kiến là Dự thảo Luật Thi hành án dân sự (THADS) sửa đổi.
Luật THADS năm 2008 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 14.11.2008, có hiệu lực từ ngày 1.7.2009, đã tạo hành lang pháp lý cơ bản, bảo đảm cho công tác THADS hiệu quả hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực, Luật THADS cũng đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc: Hoạt động THADS chưa được thống nhất xác định là hoạt động tư pháp, vì vậy gây khó khăn trong thực tiễn THADS; có sự cắt khúc, tách rời giữa hoạt động xét xử với hoạt động THADS; sự thiếu đồng bộ trong phối hợp giữa cơ quan xét xử và cơ quan THADS..., dẫn đến việc THADS bị chậm, tồn đọng, nhiều vụ việc gây bức xúc kéo dài.
Sửa đổi Luật THADS lần này nhằm đảm bảo sự phù hợp với các quy định của Hiến pháp năm 2013; khắc phục những tồn tại, hạn chế, vướng mắc về trình tự thủ tục THADS, bảo đảm tính khả thi trên thực tế; tạo cơ chế thống nhất, đồng bộ với các văn bản pháp luật có liên quan.
Một trong những nội dung quan trọng và mới nhất trong Dự thảo Luật lần này là giao thẩm quyền ra quyết định THADS, quyết định thay đổi, kết thúc việc THADS cho tòa án đã xét xử thực hiện, nhiệm vụ mà trước đây đã giao cho cơ quan THADS. Quy định này nhằm gắn đến cùng trách nhiệm của tòa án đối với bản án, không để tình trạng cắt khúc, tách rời các giai đoạn tố tụng, làm hạn chế mối quan hệ giữa hoạt động xét xử với hoạt động THADS, giữa tòa án với cơ quan THADS. Điều này cũng hướng đến quy định rõ trách nhiệm của tòa án trong việc theo dõi, kiểm soát, thống kê các bản án, quyết định đã được tòa án ra quyết định thi hành án.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều quan điểm chưa thống nhất giao cho tòa án ra một số quyết định về THADS, vì việc ra quyết định thi hành án lâu nay đã giao cho cơ quan THADS thực hiện ổn định và khá bài bản. Nếu giao cho tòa án ra quyết định về thi hành án sẽ dẫn đến những vấn đề như: phát sinh nhiều thủ tục về hành chính trong hoạt động của tòa án và THADS; tăng biên chế cho bộ phận theo dõi công tác thi hành án của tòa án; việc theo dõi, chuyển giao quyết định thi hành án sẽ phát sinh nhiều vấn đề mới...
CÔNG HOÀNG