Sẵn sàng hiến máu cứu người
Từ năm 2010, theo chỉ đạo của Hội CTĐ tỉnh, nhiều địa phương đã thành lập đội hiến máu tình nguyện đột xuất dự bị cấp xã, phường, thu hút những người có nhiều nhóm máu khác nhau nhưng có chung tinh thần cho máu để cứu người. Anh Nguyễn Trung Thạnh, Chủ tịch Hội CTĐ xã An Hòa (huyện An Lão), Đội trưởng Đội hiến máu tình nguyện đột xuất dự bị của xã đã than… “khó quá” khi tôi nhờ thống kê số đơn vị máu mà các thành viên của Đội đã hiến tặng đến nay. “Chỉ tiêu hiến máu tập trung năm nào cũng đạt và vượt cao, còn hiến đột xuất thì ai cần mình giúp ngay rồi cũng quên ngay thôi. Sự hỗ trợ rất vô chừng, lúc 4, lúc 6 đơn vị máu, lúc chỉ cần 2 hoặc 3 đơn vị. Làm sao nhớ hết được. Chỉ biết, sau mỗi lần nhận được thông tin cần máu, chỉ mươi phút liên lạc nhau, anh em lên xe chạy thẳng vào BVĐK tỉnh hay BVĐK khu vực Bồng Sơn, hiến máu xong rồi quay về”, anh Thạnh chia sẻ.
Hội CTĐ xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân) tổ chức biểu dương các cá nhân có thành tích trong công tác hiến máu tình nguyện của xã. Ảnh: Hội CTĐ xã Ân Tường Đông
“Cố đấm ăn xôi” - tôi gặng hỏi thêm một vài đội trưởng khác ở TX Hoài Nhơn, TP Quy Nhơn, huyện Hoài Ân…, tất cả đều cho tôi câu trả lời tương tự. Anh Nguyễn Văn Trường, Phó Bí thư Đoàn xã Ân Tường Đông (huyện Hoài Ân), Phó Chủ tịch Hội CTĐ xã, Đội trưởng Đội hiến máu tình nguyện đột xuất dự bị của xã kể, tầm giữa tháng này, Đội đã vào BVĐK tỉnh giúp chị Đào Thị Thúy, người dân của xã bị nhiễm trùng máu. Hai năm qua dịch bệnh hoành hành, các thành viên của Đội cũng hỗ trợ nhiều trường hợp hơn. Chuyện đi xuống Hoài Nhơn hay vào Quy Nhơn lúc 1 - 2 giờ sáng đã thành “chuyện bình thường như bất cứ thời gian nào khác trong ngày”. Một số thành viên của Đội vài lần cho thêm tiền người bệnh khi biết họ trong cảnh khổ cùng cực. Anh em trong Đội vào những dịp thuận tiện, gặp nhau, chia sẻ kỷ niệm và cảm nhận việc mình làm rồi lắng nghe tâm tư của thành viên khác, rồi cùng đồng lòng, thêm quyết tâm “giúp được ai thì giúp - lúc người ta đang hoạn nạn, nguy cấp”.
Đội trưởng của các đội thường là cán bộ hội CTĐ; nhờ đó, cách vận động, nắm thông tin về số người có nhóm máu phù hợp để liên lạc lúc cần trong một thời gian rất ngắn luôn đạt hiệu quả cao. Qua khảo sát, hiện tại, bình quân mỗi đội có từ 20 - 30 thành viên, có đủ sức khỏe, sự nhiệt tình, có đầy đủ nhóm máu cần thiết (O, A, B, AB), thậm chí cả nhóm máu hiếm (Rh-). Cuối mỗi năm, các đội kiện toàn lại, kết nạp thêm một số thành viên mới để thay thế số người tuổi đã cao, sức khỏe không đảm bảo hoặc đi làm ăn xa. Một số đội trưởng năng động còn kết nối với các đội của xã khác trong huyện và những CLB máu sống của tỉnh, huyện đặng cùng phối hợp hỗ trợ nhau trên tinh thần “đáp ứng kịp thời và đầy đủ lượng máu người bệnh đang cần”.
Theo Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Hà Văn Cát, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, cùng với hoạt động hiến máu tình nguyện tập trung, mô hình đội hiến máu dự bị ở xã, phường đóng vai trò ngày càng quan trọng, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, từng gây cản trở hoạt động hiến tập trung trong giữa năm 2021. Theo thống kê, tất cả các địa phương đều đã thành lập đội hiến máu tình nguyện đột xuất dự bị. Tuy nhiên, trên thực tế, có tình trạng nơi hoạt động sôi nổi, hiệu quả, nơi thì chưa được như vậy. Ông Cát cho biết, thời gian tới, Hội CTĐ tỉnh sẽ tiến hành rà soát lại hoạt động của các đội; trên cơ sở đó, tổ chức hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ những đội chưa tốt, để phát huy tối đa hiệu quả mô hình này, góp phần cùng với hoạt động hiến máu tình nguyện tập trung, hoàn thành chỉ tiêu hiến máu tình nguyện đã đề ra trong năm 2022.
NGỌC TÚ