Bánh mứt vào vụ Tết
Hơn 1 tháng nữa là đến tết Nguyên đán Nhâm Dần, các cơ sở bánh mứt trong tỉnh đang vào cao điểm sản xuất để phục vụ thị trường. Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 có thể làm cho sức tiêu thụ giảm so với năm trước.
Mấy năm gần đây bánh dừa nướng Hoài Nhơn nổi tiếng khắp gần xa với nhiều thương hiệu nổi tiếng như: Thanh Phương, Thanh Bình, Thu Lụa, Ngọc An… Trong năm các cơ sở này chuyên sản xuất dừa khô cung cấp cho các tiệm làm bánh, quán sinh tố trong toàn quốc, đến mùa lễ, tết mới vào vụ sản xuất bánh dừa nướng. Chị Võ Thị Hiệp, chủ cơ sở sản xuất bánh dừa nướng Thanh Bình chia sẻ: Từ tháng 11 âm lịch đến hết tháng Chạp, cơ sở mới sản xuất bánh dừa nướng cho thị trường tết Nguyên đán. Năm nay, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cơ sở chỉ sản xuất theo đơn hàng, nhận tới đâu làm tới đó chứ không làm sẵn như mọi năm.
Công nhân đang nhào bột, đóng khuôn bánh dừa nướng, loại bánh truyền thống của người dân Hoài Nhơn nay đã tìm được khách hàng ở cả nước. Ảnh: HẢI YẾN
Tại cơ sở sản xuất bánh cốm Sáu Chiến, chúng tôi thấy hàng chục lao động đang miệt mài rang nếp, lựa vỏ trấu, nấu đường gừng, đổ khuôn, cán, cắt, đóng gói... Bà Nguyễn Thị Ký, 62 tuổi, chủ cơ sở cho biết: Bánh cốm Hoài Nhơn giờ được nhiều khách hàng trong nước biết đến. Một số đại lý của chúng tôi ở các tỉnh thành như Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh đã đặt hàng sớm. Mẫu bánh cốm kích cỡ nhỏ 6 x 6 cm, đóng bì nhựa riêng từng miếng bánh đang được nhóm khách hàng ở xa ưa chuộng vì dễ bảo quản, sử dụng. Ngược lại, mẫu bánh cốm bọc giấy kính quen thuộc thường góp mặt tại các buổi giỗ chạp, tất niên, giao thừa... vẫn được khách hàng trong tỉnh chọn dùng.
Hầu hết các cơ sở làm bánh kẹo, mứt trong tỉnh chỉ dám trữ nguyên liệu cầm chừng, không tích trữ nhiều như mọi năm do lo ngại dịch Covid-19 bùng phát; hoặc rủi xưởng sản xuất có ca F0 buộc phải đóng cửa thì việc sản xuất kinh doanh sẽ gặp vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, một số cơ sở vẫn mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, thay đổi mẫu mã… như một cách tìm cơ hội trong khó khăn.
Bà Nguyễn Xuân Ánh, chủ cơ sở sản xuất mứt mãng cầu, mứt thơm Ngọc Ánh, ở phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn cho biết: Để làm ra miếng mứt ngon lại sạch từng khâu một - từ chọn, sơ chế nguyên liệu đến rim, sấy... đều phải rất kỹ. Mấy năm gần đây tôi liên tục cho thải dần các dụng cụ làm mứt kiểu cũ, thay vào đó là những loại máy móc hiện đại để giảm sức lao động thủ công, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đồng thời nâng mức độ ổn định chất lượng sản phẩm. Trước đây khi còn nhiều khâu làm bằng tay, hiện tượng mẻ này ngon mẻ khác kém dễ xảy ra lắm; nhưng từ khi máy móc thế chỗ dẫn thì chất lượng sản phẩm cao hơn và ổn định. Ngoài mứt dẻo, cuốn cuộn nay chúng tôi còn sản xuất các loại sản phẩm sấy dẻo đáp ứng yêu cầu ngày càng đa dạng của thị trường, khách hàng. Ngay cả mẫu mã hộp đựng mứt cũng thay đổi sao cho phù hợp với thị hiếu khách hàng có cả hộp nhựa, bì giấy…
Năm nay giá nguyên vật liệu đều tăng, nhiều loại chi phí sản xuất khác cũng tăng. Bà Nguyễn Thị Hoa, chủ cơ sở sản xuất mứt me, chùm ruột ở KV3, phường Đống Đa, TP Quy Nhơn phân tích: Năm ngoái giá đường khoảng 15.000 đồng/kg thì nay đã lên 21.000 đồng/kg; dầu thực vật tăng từ 500 - 600 nghìn đồng lên 900 nghìn đồng/can 30 lít; bột mì từ khoảng 11.000 đồng/kg nay tăng lên 14.000 đồng/kg… Trong khi đó, giá bán sỉ mình không thể tăng tương ứng để đảm bảo sức cạnh tranh. Trước đây còn nghĩ đến chuyện bù lại bằng ở chỗ bán được với số lượng lớn nhưng năm nay do dịch bệnh, không ai dám nghĩ đến điều này.
Dù khó khăn bộn bề như thế, nhưng điểm đáng mừng là nhiều hộ sản xuất trong tỉnh lại coi trọng việc đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, bao bì ghi đầy đủ thông tin, nhãn mác, nghiêm túc trong công bố thời gian sản xuất, hạn sử dụng... Một số cơ sở còn mạnh dạn đưa ra mẫu mứt, bánh mới phục vụ khách hàng.
HẢI YẾN