ĐỜI SỐNG SINH HOẠT XƯA CỦA NGƯỜI BÌNH ĐỊNH:
Nhìn từ một bộ sưu tập
Nhiều năm qua, Bảo tàng tỉnh Bình Định đã lên kế hoạch và sưu tầm những đồ dùng sinh hoạt hằng ngày - đặc biệt là đồ đồng - đã và đang trên đà bị mai một, nhằm mục đích giữ lại và khi cần có thể tái hiện một phần đời sống văn hóa của người dân Bình Định thửa xa xưa.
Có thể nói ở các thế kỷ trước đồ dùng sinh hoạt bằng đồng tương đối thịnh hành, nhất là đối với các gia đình khá giả. Hầu như ở bất kỳ lĩnh vực sinh hoạt nào cũng có sự hiện diện của vật dụng bằng đồng. Tầm từ thập niên 70 của thế kỷ trước, khi các đồ dùng bằng nhôm, nhựa, inox bắt đầu phổ biến, đồ đồng mới dần mất đi vị trí của mình.
Bộ sưu tập đồ dùng sinh hoạt bằng đồng của người Bình Định do Bảo tàng tỉnh Bình Định sưu tầm được tương đối đa dạng về loại hình và công năng sử dụng. Có thể kể đến các loại hình như: Nồi, mâm, chảo, ấm nấu nước, bát, muỗng, khuôn đúc bánh tai yến, khuôn đúc bánh in, khuôn đúc bánh thuẫn, ống xoáy trầu, ống nhổ trầu, đèn đồng… Những đồ dùng sinh hoạt này một mặt cho thấy sắc màu đa dạng trong đời sống vật chất của người Bình Định xưa, mặt khác cũng phản ánh trình độ chế tác đồ đồng của người xưa đã đạt đến độ tinh xảo.
Ấm đồng, niên đại thế kỷ XIX.
Trước hết phải kể đến sưu tập nồi đồng gồm 11 chiếc, đầy đủ các kích cỡ, từ nồi 1 đến nồi 7. Phần lớn các nồi đồng sưu tầm được đều còn khá nguyên vẹn, có những chiếc còn trang trí cả hoa văn như: Hoa văn hình bông hoa 4 cánh, các đường viền tròn chạy xung quanh thân, hoặc khắc cả hình chữ hán. Đây là một sưu tập nồi đồng hoàn chỉnh thuộc loại hiếm và để có được sưu tập này nhiều năm liền các cán bộ của bảo tàng phải dày công lăn lội đi sưu tầm khắp nơi trong tỉnh. Đây là một công việc đòi hỏi nhiều công sức vì lẽ khi gia chủ còn giữ lại món đồ ấy đến nay, có nghĩa họ cũng tha thiết với món đồ, xem đó như vật lưu niệm chứ không còn là một thứ đồ dùng sinh hoạt thông thường nữa. Chính vì thế cán bộ bảo tàng phải tỉ mẩn tìm hiểu, trò chuyện, gợi mở khéo léo thì mới đạt kết quả.
Các loại khuôn đúc bánh in, bánh thuẫn bằng đồng của người Bình Định, thế kỷ XX.
Sưu tập mâm đồng gồm 6 chiếc còn khá nguyên vẹn, trong đó có một chiếc trang trí hoa văn rất đẹp cũng là một sưu tầm có giá trị cao. Trên bề mặt chiếc mâm này chạm trổ trang trí 6 vòng hoa văn rất chi tiết và tinh tế: Vành 1 (chính tâm) chạm hoa văn hình một chữ Hán lớn trên nền mây cuộn sóng; vành 2: Hoa văn vạch song song; vành 3: Hoa văn đường viền nhấp nhô dạng hình bán nguyệt; vành 4: Có 4 hoa văn hình rồng cuộn mây và 4 hoa văn hình chữ Hán xen kẽ nhau; vành 5: Hoa văn đường chấm tròn gấp khúc; vành 6 (vành miệng): Trang trí cành hoa, hoa văn chấm hình lưới có ô hình lục giác, tiếp đến là hình một chữ Hán, có 4 hoa văn cành hoa, có 8 hoa văn hình lưới và có 4 hoa văn hình chữ Hán. Cần phải thấy rằng trình độ chế tác của người thợ ngày xưa rất cao, và chất liệu đồng cũng rất tốt, cho phép nhiều thao tác tỉ mỉ mà vẫn giữ nguyên đường nét tạo dáng.
Sưu tập thau đồng gồm 5 chiếc có kích thước khác nhau từ nhỏ đến lớn, trong đó có một chiếc được đúc khá đẹp. Thau có dáng tròn, thấp; thành thau khum, thu nhỏ về đáy; bên trong và bên ngoài thành thau tạo hình múi bưởi; đáy tương đối bằng; vành miệng bẻ ngang, rộng. Thành thau đúc mỏng nhưng khá chắc chắn. Mặt trong của đáy thau chạm hình một bông sen cách điệu đang nở và các vòng chấm tròn chạy viền xung quanh. Phần vành miệng bẻ ngang chạm hoa văn uốn lượn nhưng bị mờ đi rất nhiều.
Đèn dầu bằng đồng, niên đại thế kỷ XX.
Ngoài ra, trong bộ sưu tập đồ đồng gia dụng truyền thống của bảo tàng còn có sưu tập chảo đồng, bát đồng, đèn đồng, khuôn làm bánh in, khuôn làm bánh thuẫn, khuôn làm bánh tai yến, cối xoáy trầu, ấm đồng, ống nhổ trầu, muỗng đồng… Những sưu tập hiện vật bằng đồng này đều có niên đại gần trăm năm, vào khoảng đầu thế kỷ XX. Đây chính là những hiện vật quý góp phần bảo lưu những nét văn hóa trong sinh hoạt của cư dân người Việt trên đất Bình Định trong tiến trình lịch sử.
NGUYỄN VIẾT TUẤN