Dặm dài mùa vui
Tản văn của NGÔ VĂN CƯ
Quê tôi vào những ngày cận tết lại bận rộn với những vụ mùa và những việc chung, riêng khác. Từ cuối tháng mười Âm lịch, lúa giống được gieo xuống đồng. Rồi những vồng khoai lang, luống rau cải, hàng xà lách, giàn khổ qua, đậu rồng... xanh ngát khoe mình đón nắng xuân đang dần về. Rồi những vạt vạn thọ, cúc, hồng... cùng hoa mai chúm chím nụ đợi ngày bung cánh đón xuân. Tất cả như quẫy gọi một mùa xuân ấm no, hạnh phúc sẽ đến.
Cổng chào ở đầu làng cũng trang trí rực rỡ với cờ Tổ quốc và cờ trang trí đủ màu sắc tung bay trong gió. Cổng xóm, cổng nhà cũng ngập tràn ánh sáng. Đường thôn, ngõ xóm, lối đi chung được dọn dẹp sạch sẽ; cuốc bớt cỏ ở các lối đi, nhiều nhà quét vôi lại tường để ăn tết! Bận rộn là vậy nhưng nhà nhà vẫn không thể để thiếu không khí tết. Rồi như đã hẹn, vào những ngày cuối năm, gia đình nào cũng chuẩn bị cho ngày dẫy mả. Dẫy mả là một phong tục có từ lâu, là dịp để con cháu được giãi bày với tổ tiên, ông bà những chuyện xảy ra trong năm; đồng thời anh em trong họ hàng nội tộc gặp mặt để phân biệt mối quan hệ họ hàng, máu mủ với nhau. Hình như tất cả công việc trong năm đều dồn vào những ngày cận tết.
Có lẽ, việc chuẩn bị cho ngày tết của người dân quê cũng khác với người thành phố. Đến những ngày gần tết, sau khi người dân phố đến các cửa hàng, siêu thị... thì không khí tết ập nhanh vào nhà chỉ trong một ngày mà không thiếu gì. Còn người dân quê, bên cạnh việc mua sắm vài thứ, còn lại thì tự túc sắm sửa, kể cả hoa. Từ những tháng trước đó, mọi người đã chuẩn bị một vạt đất để trồng các loại hoa chưng trong ngày tết. Có nhà còn chăm chút hoa ngoại nhập như lay ơn, ly... nên hoa tết cũng rất đa dạng. Cả việc chọn trái cây chưng trên bàn thờ cũng được chọn trước từ khi trái còn nhỏ trên cây. Nó được bao bọc kỹ cho khỏi sâu rầy đục để trái không có tỳ vết, bóng nhẵn, đẹp mắt và cũng là thể hiện lòng kính trọng tổ tiên, ông bà.
Thức ăn ngày tết cũng được tự tay mỗi gia đình chuẩn bị. Mặc dù, chợ búa ngày tết không thiếu thứ gì nhưng nhiều gia đình vẫn chung nhau làm thịt heo ăn tết. Thường thì vào chiều ba mươi, trên khoảng đất rộng, bếp lửa to được nhen lên, các dụng cụ như dao thớt, xoong nồi, thau rổ... được các nhà đem tới đầy đủ. Đàn ông thì mổ heo, đàn bà thì làm sạch thịt và nấu ăn. Một nồi cháo lòng cuối năm ấm cúng giữa các gia đình sau khi đã chia thịt đã làm tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó. Chuyện đồng áng, chuyện sinh hoạt ngày thường được bàn luận sôi nổi; đôi khi lan sang chuyện chính trị, kinh tế trong nước và... nước ngoài.
Trong mỗi gia đình cũng bắt đầu lau chùi bàn thờ, dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, kể cả đường thôn ngõ xóm. Tất cả đẹp mắt, sạch sẽ, khang trang. Trong bếp, mùi đường của rim mức đã thơm phức khi những chảo rim gừng, rim dừa, rim bí đao... bắt đầu sôi réo. Các bà, các mẹ, các chị đang trổ tài khéo léo của mình bên bếp lửa để những đứa trẻ thêm háo hức khi được cho một ít vụn mà thưởng thức khi còn ấm nóng và thơm ngọt. Nhưng có lẽ vui và ấm cúng nhất là không khí nấu bánh chưng, bánh tét. Hầu hết mọi thành viên trong gia đình đều tham gia. Người chẻ lạt, người chọn và làm sạch lá, người ngâm nếp, người làm nhưn bánh, người gói... mỗi người một việc. Cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng trò chuyện xua tan cái tiết trời lạnh giá của ngày cuối đông. Bọn trẻ khó có thể đợi được đến khi nồi bánh chín nhưng sáng hôm sau nhìn nong bánh thật ngon mắt để khi được cắn từng miếng thơm dẻo mà lòng thích thú vô cùng.
Những ngày chuẩn bị đón tết Nhâm Dần 2022 còn đặc biệt hơn. Vẫn là không gian thật ấm cúng, thiêng liêng và thân thuộc. Tết đến, nhiều lo toan nhưng cũng thật êm đềm và vui tươi. Biết bao thế hệ đã lớn lên trong không khí tết như vậy. Vậy mà tết này... tình hình dịch bệnh lan rộng là một nguy cơ hiện hữu, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt lẫn tinh thần của mọi người. Mỗi người đã ý thức trong việc chung tay phòng chống dịch, tuân thủ nguyên tắc 5K nên không khí tết cũng có khác hơn xưa. Ở thành phố, để hạn chế tập trung đông người, các siêu thị đã triển khai các chương trình mua sắm cuối năm qua mạng nên phố xá cũng thưa vắng hơn trong hoàn cảnh xã hội “bình thường mới”. Hàng hóa thiết yếu phục vụ ngày tết cũng sớm có mặt ở vùng nông thôn, miền núi rất sớm để người dân khỏi ùn ứ mua sắm vào ngày cận tết.
Tất cả để đảm bảo an toàn phòng dịch nhưng vẫn ấm áp. Đường thôn, ngõ xóm vẫn được dọn dẹp phong quang, sạch sẽ; bàn thờ của mỗi gia đình vẫn tinh tươm; bếp vẫn ấm giữa những ngày đông giá rét. Năm nay có lẽ những người con làm ăn ở xa sẽ suy tính nhiều hơn chuyện quy cố hương bởi Nhà nước khuyến khích bớt dịch chuyển để đảm bảo an toàn… Những hình ảnh chia sẻ không khí tết với nhau qua mạng xã hội vẫn đầy ắp yên vui. Tết vui và tết an toàn, tết trong bình thường mới ắt phải khác với tết xưa tết cũ và gì thì gì những niềm vui, những kỳ vọng những ước ao vẫn gói đầy trong những dặm tết vui đang rảo bước về trên quê hương yêu dấu.