Covid-19 & nỗi lo thiếu nhân viên y tế học đường
Sau 5 năm tạm dừng tuyển viên chức chuyên trách làm công tác y tế trong ngành Giáo dục, mãi đến năm 2021 cơ chế tuyển dụng cho vị trí này mới được mở lại. Trong bối cảnh dịch Covid-19 căng thẳng, hoạt động y tế trường học gặp rất nhiều khó khăn.
“Toát mồ hôi” nếu thiếu nhân viên y tế
“Từ tháng 1.2020 trở đi trường không có nhân viên y tế học đường, sau khi nhân viên y tế của trường bị cắt hợp đồng theo quy định. Để đảm bảo cho hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 vào năm học mới, nhà trường động viên, phân công 1 nhân viên thiết bị thí nghiệm kiêm nhiệm y tế làm công tác đề xuất phương tiện phòng, chống dịch Covid-19, nhưng cũng chỉ làm theo thời điểm và theo văn bản hướng dẫn chung của ngành Y tế và GD&ĐT”, ông Phạm Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Nhơn (huyện Phù Cát), chia sẻ.
Học sinh Trường THCS bán trú Canh Thuận (huyện Vân Canh) được nhân viên y tế trường chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn phòng, chống dịch Covid-19. Ảnh: T. HIỀN
Trước đó, trường này cũng có 1 nhân viên y tế làm hợp đồng được 7 năm, nhưng theo quy định đến năm 2020 thì cắt hợp đồng. Để chăm sóc sức khỏe cho gần 500 học sinh, nhà trường hợp đồng với trạm y tế xã xử lý các tình huống y tế bất thường; còn các hoạt động phòng, chống dịch đều là… giáo viên kiêm nhiệm.
Theo tìm hiểu, nhiều trường tiểu học, THCS, THPT bị ảnh hưởng từ việc tạm dừng tuyển viên chức nhân viên y tế từ năm 2015 khi Văn phòng Chính phủ ra Văn bản 2378/VPCP-KGVX về việc tạm thời dừng tuyển viên chức chuyên trách làm công tác y tế, tài chính kế hoạch tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Nhưng do không thể thiếu nhân viên y tế học đường, có nơi “lách luật” bằng cách lấy vị trí khác thay cho nhân viên y tế, lại có nơi “chữa cháy” bằng cách tham mưu cho địa phương ký hợp đồng nhân viên…
Tại huyện Vân Canh, theo Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phan Long Hợp, đã phải lấy một số nhân viên y tế tiểu học sang bố trí cho 2 trường THCS và các trường mầm non tổ chức học bán trú. Dù vậy đến năm 2021, vẫn còn tới 7 trường không có nhân viên y tế học đường.
Ở TX Hoài Nhơn, quy định tạm dừng tuyển viên chức chuyên trách làm công tác y tế rơi vào thời điểm địa phương này đẩy mạnh phong trào trường học đăng ký xây dựng trường chuẩn quốc gia với mục tiêu có hơn 80% số trường đạt chỉ tiêu này, vì thế Phòng GD&ĐT tham mưu chính quyền địa phương cho hợp đồng ngoài chỉ tiêu nhân viên y tế học đường. “Ngay lúc tạm dừng tuyển, Hoài Nhơn cũng chỉ có 24 trường học đã có nhân viên y tế trong biên chế trước đó, còn thiếu 37 nhân viên. Cũng phải thuyết phục lắm mới được hợp đồng cho 37 nhân viên y tế học đường. Vai trò của nhân viên y tế học đường rất quan trọng, đặc biệt trong dịch Covid-19, họ là lực lượng nòng cốt xây dựng, tổ chức thực hiện công tác phòng, chống dịch”, Trưởng Phòng GD&ĐT Nguyễn Thị Hoài Anh cho hay.
Thật sự sẽ không biết như thế nào trong bối cảnh dịch bệnh mà trường lại không có nhân viên chuyên trách y tế. Ông Trần Thao, Hiệu trưởng Trường THCS Hoài Thanh Tây (TX Hoài Nhơn), nhấn mạnh: “Bao nhiêu vấn đề xảy ra hằng ngày, nếu không có nhân viên y tế thì rất khó xử lý tình huống bệnh tật của học sinh. Dịch Covid-19, nhân viên y tế càng quan trọng, vắng một bữa là toát mồ hôi ngay”.
Khẩn trương bổ sung
Hoạt động y tế trường học không đơn giản chỉ là sơ cấp cứu mà còn tổ chức triển khai các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, các chương trình phòng, chống dịch bệnh cho học sinh, xây dựng khung dinh dưỡng - y tế hợp lý, góp phần cải thiện cân nặng, chiều cao cho học sinh. Các trường học có bếp ăn bán trú, nhân viên y tế phải kiểm tra thực phẩm đưa vào trường hằng ngày…
Làm nhân viên y tế học đường tại Trường THCS Hoài Thanh Tây từ năm 2009 đến nay, chị Nguyễn Thị Bích Dung cho biết, học sinh rất hiếu động, chạy nhảy, chơi đùa và xảy ra nhiều trường hợp xây xát, chảy máu. Hai năm nay dịch Covid-19, hoạt động chăm sóc, theo dõi sức khỏe học sinh tăng lên, công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường rất nặng.
Sau những bất cập được kiến nghị, quy định cho tuyển viên chức làm y tế trong ngành giáo dục được mở ra. Tháng 1.2021, Bộ GD&ĐT hướng dẫn các địa phương rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ viên chức làm công tác hỗ trợ phục vụ (trong đó có nhân viên y tế) trong cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. UBND tỉnh cũng có Công văn 448/UBND-VX chỉ đạo thực hiện rà soát, tuyển dụng, bố trí, sắp xếp nhân viên y tế trường học.
Tuy nhiên, vướng dịch Covid-19 nên các địa phương gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thi tuyển để bổ sung nhân viên y tế học đường. Hiện các địa phương đang đẩy mạnh hơn công tác tuyển dụng cho vị trí này. Trong đó đáng chú ý, tại TX Hoài Nhơn, kế hoạch tuyển dụng 296 biên chế cho ngành GD&ĐT thực hiện năm nay có 35 nhân viên y tế. Với huyện Phù Cát, địa phương này tuyển dụng bổ sung 37 chỉ tiêu nhân viên y tế trường học…
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Đào Đức Tuấn, hiện tỉnh có 518/574 trường học có nhân viên y tế, thiếu 56 nhân viên theo quy định tại Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT (tiểu học thiếu 28 người, THCS thiếu 18 người và THPT thiếu 10 người). Sở GD&ĐT đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở triển khai rà soát, bố trí, sắp xếp lại đội ngũ này ở các trường công lập. Trên cơ sở sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, thực hiện xây dựng đề án vị trí việc làm và xác định số lượng người làm việc, nhu cầu, cần tuyển dụng nhân viên làm y tế học đường tại các cơ sở còn thiếu.
MAI HOÀNG