Phát huy giá trị di tích Đền thờ Đào Duy Từ
Giữa tháng 12.2021, gia tộc Trần Đức ở phường Hoài Thanh Tây (TX Hoài Nhơn) đã hiến tặng đất, công trình kiến trúc tại Khu tưởng niệm Cống quận công Trần Đức Hòa của gia tộc cho Nhà nước sử dụng xây dựng quần thể di tích Đền thờ Đào Duy Từ và mộ Cống quận công Trần Đức Hòa. Đây là lần đầu tiên một gia tộc dốc sức, đồng lòng cùng Nhà nước phát huy giá trị di tích, góp phần tri ân tiền nhân.
Ông Trần Đức Nghị, trưởng tộc Trần Đức, phấn khởi cho biết: “Trong số 1.800 m2 đất mà gia tộc chúng tôi thống nhất hiến tặng cho Nhà nước có 500 m2 đất ở, hơn 1.300 m2 đất vườn cùng nhiều công trình xây dựng trên đất. Chúng tôi trao toàn bộ quyền sử dụng khối tài sản này cho Nhà nước - cụ thể đơn vị tiếp nhận việc hiến tặng này là UBND TX Hoài Nhơn - với ước vọng Nhà nước sẽ phục dựng, tôn tạo quần thể di tích Đền thờ Đào Duy Từ và mộ Cống quận công Trần Đức Hòa nhằm thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn đối với cha ông, tạo điểm nhấn giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân”.
Khu tưởng niệm Cống quận công Trần Đức Hòa do gia tộc Trần Đức hiến tặng để TX Hoài Nhơn đầu tư xây dựng tạo thêm một điểm đến văn hóa, lịch sử góp phần phát triển du lịch địa phương. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Phường Hoài Thanh Tây hiện có 2 di tích cấp quốc gia, gồm: Đền thờ Đào Duy Từ và Địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại cây số 7 Tài Lương. Trong quy hoạch đô thị Hoài Nhơn theo hướng “1 trục, 2 cánh, 4 trung tâm” thì Hoài Thanh Tây là trung tâm vùng đô thị văn hóa, lịch sử.
Ông Lê Văn Nam, Chủ tịch UBND phường Hoài Thanh Tây, tâm tình: “Việc gia tộc Trần Đức hiến tặng đất sẽ góp phần mở rộng thêm không gian văn hóa, lịch sử ở địa phương. Với niềm tự hào đó, cán bộ, nhân dân địa phương rất mong di tích liên quan đến Cống quận công Trần Đức Hòa sớm được Nhà nước đầu tư xây dựng xứng tầm để kết nối với các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn phường, phát huy giá trị di tích”.
Là cơ quan chuyên môn được UBND TX Hoài Nhơn giao tiếp nhận và phát huy giá trị Khu tưởng niệm Cống quận công Trần Đức Hòa, ông Hồ Khắc Cầu, Phó Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT TX Hoài Nhơn, cho biết: Chúng tôi sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn đề xuất với UBND thị xã ý tưởng, giải pháp phục dựng di tích Khu tưởng niệm Cống quận công Trần Đức Hòa. Qua đó hình thành tuyến tham quan liên hoàn quần thể các di tích: Đền thờ Đào Duy Từ tại thôn Cự Tài (xã Hoài Phú), chùa Cầu, lăng Lê Đại Lang, đền thờ Trần Đức Hòa, địa điểm lưu niệm cuộc biểu tình năm 1931 tại cây số 7 Tài Lương (phường Hoài Thanh Tây), mộ cụ Đào (phường Hoài Hảo) và mộ Cống quận công Trần Đức Hòa (xã Hoài Sơn) và các di tích khác được xếp hạng ở Hoài Nhơn.
Việc quy hoạch, xây dựng, tôn tạo quần thể di tích Đền thờ Đào Duy Từ và mộ Cống quận công Trần Đức Hòa nhằm tạo thêm điểm nhấn di tích văn hóa, lịch sử, góp phần phát triển kinh tế du lịch theo định hướng của TX Hoài Nhơn.
Phó Chủ tịch UBND TX Hoài Nhơn Trần Hữu Thảo cho biết: Việc làm ý nghĩa của gia tộc Trần Đức là điển hình trong chủ trương vận động xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích của thị xã. Thật sự hiếm có nơi nào làm được việc tốt như vậy! Chúng tôi sẽ phối hợp Sở VH&TT cùng gia tộc Trần Đức phục dựng, tôn tạo, phát huy giá trị liên quan đến Cống quận công Trần Đức Hòa để xứng đáng với những công lao của bậc khai quốc công thần.
Cống quận công Trần Đức Hòa là người xã Bồ Đề, huyện Bồng Sơn, phủ Quy Nhơn (nay là thôn Hy Văn, xã Hoài Sơn, TX Hoài Nhơn). Ông vốn là con của nhà tướng nên buổi đầu được làm chức Hoằng tín đại phu, sau đổi làm Đô Chỉ huy sứ quyền Nhiếp vệ cẩm y. Nhờ có công trạng lớn nên được chúa Nguyễn phong giữ chức Khám lý phủ Quy Nhơn, phong tước Cống quận công. Ông là người có tài không những biết vỗ an dân chúng, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng, đảm bảo hậu phương của phía Nam mà còn mưu tính đại sự cho nghiệp bá vương, kinh bang tế thế nên được chúa Nguyễn rất trọng dụng. Một trong những đóng góp lớn của ông cho chúa Nguyễn ở Đàng Trong, thậm chí là cho văn hóa Việt Nam là phát hiện và tiến cử Đào Duy Từ lên triều đình - người sau này đứng vào hàng đại công thần triều Nguyễn, có nhiều đóng góp vào văn hóa Việt Nam trải rộng trên nhiều lĩnh vực: Quân sự, kiến trúc, chính trị, văn hóa...
NGỌC NHUẬN