Thêm những tham chiếu về thơ Xuân Diệu
Giao thoa Đông - Tây trong thơ Xuân Diệu (NXB Khoa học Xã hội) là công trình chuyên khảo về thơ Xuân Diệu do Nguyễn Thị Nguyệt Trinh và Lê Minh Kha chủ biên - vừa ra mắt bạn đọc tháng 12.2021.
Sách dày dặn, gần 300 trang được cấu trúc thành 2 phần. Phần 1 - Tổng quan, nghiên cứu đặc trưng thơ Xuân Diệu trong cái nhìn giao thoa, soi chiếu Đông - Tây. Ở phần này, những góc nhìn tham chiếu qua chuyên luận Gió Đông gió Tây trong thơ Xuân Diệu của 3 tác giả Nguyệt Trinh, Võ Minh Hải, Lê Minh Kha mang đến cho người đọc những hình dung rõ nét về thế giới nghệ thuật thơ Xuân Diệu. Đặc biệt, cho thấy những biểu hiện trong sự giao thoa Đông Tây trong thơ ông về thể thơ, các lớp từ, ngôn ngữ ý tượng, ngôn ngữ cảm giác, về kiểu câu, thủ pháp đối và kết cấu song hành… Phần 2 - Những góc nhìn tham chiếu bao gồm 10 bài nghiên cứu xoay quanh các sáng tác của nhà thơ Xuân Diệu với phong phú những góc nhìn tiếp cận. Ở phần này, có những bài viết đặc sắc của các nhà nghiên cứu như: Địa văn hóa Bình Định trong thơ Xuân Diệu của Trần Thị Tú Nhi & Nguyễn Thị Thương; Thơ Xuân Diệu - đi trên những lằn ranh của Lê Từ Hiển & Võ Như Ngọc; Thời sắc - Nét đặc trưng trong cảm quan thời gian của thơ Xuân Diệu của Chu Lê Phương…
Xuân Diệu - “ông hoàng thơ tình”, “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”…, quá nhiều khẳng định cho một tài thơ. Xuân Diệu là kẻ thi nhân đắm say trong tình yêu, cũng là người nặng lòng với quê hương xứ sở. Thơ Xuân Diệu mang vẻ đẹp trữ tình đồng thời còn cho thấy những khám phá thú vị bởi sự cách tân phong phú. Nói như nhà nghiên cứu Lê Từ Hiển: “Thơ Xuân Diệu vừa tiếp nối - phát triển các thể thơ truyền thống Việt Nam vốn coi trọng quy tắc các liên kết về song hành, vừa vượt thoát - phá cách nghiêng dần về phía tự do dường như thoát ly hẳn sự ràng buộc của các liên kết quy tắc vốn có, mặc dù vẫn tiếp tục phát huy khả năng gợi tả của các yếu tố ngôn ngữ trong các câu thơ”.
Tập sách với nhiều bài chuyên khảo công phu của những tác giả nhiều năm gắn bó với công tác giảng dạy và nghiên cứu sẽ góp thêm những điểm nhìn thú vị, mở rộng thêm những nhận định về cái mới trong thơ Xuân Diệu. Cuốn sách thêm một kênh tham chiếu đáng tin cậy cho những ai yêu thích và muốn tìm hiểu về thơ Xuân Diệu, đồng thời là nguồn tài liệu hữu ích phục vụ cho công tác giảng dạy và nghiên cứu trong nhà trường.
VÂN PHI