Bánh tráng An Giang Đông rộn ràng vào Tết
Làng bánh tráng thôn An Giang Đông, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ nổi tiếng khắp nơi với loại bánh tráng gạo đỏ. Người dân ở đây tráng bánh quanh năm nhưng tầm 2 tháng trước tết Nguyên đán mọi thứ rộn ràng hơn. Ông Lê Lãnh, Trưởng thôn An Giang Đông cho biết, toàn thôn có khoảng 100 hộ làm nghề tráng bánh, bình quân một ngày sản xuất ra khoảng 25.000 chiếc bánh, ngày tết thì sản lượng tăng lên nhiều lắm.
Chị Trần Thị Đức, ở xóm 4, thôn An Giang Đông kể: Mùa này phải dậy từ 2 giờ sáng, ngâm gạo, xay gạo, nhóm lò và tráng bánh. Ngày thường nhà tôi làm 15 kg gạo, cho ra tầm 300 cái bánh tráng nhưng cận tết phải lên đến 25 - 30 kg gạo, tương đương với 500 - 600 bánh. Bánh tráng An Giang Đông làm hoàn toàn bằng bột gạo, không trộn mì, tráng thủ công 2 lớp nên rất dày. Khi nướng lên bánh vàng, dày đều, đẹp, vị đậm đà. Bánh tráng An Giang Đông thường ăn kèm với bún tôm, bún rạm nổi tiếng của Phù Mỹ. Năm nay do dịch bệnh, lượng hàng có ít hơn mọi năm, nhưng không đáng kể vì bánh tráng An Giang Đông chủ yếu là để làm hàng quà tết.
Với hơn 50 năm trong nghề tráng bánh, bà Đặng Thị Phương, 70 tuổi, ở xóm 4, thôn An Giang Đông là người thấu đến cặn kẽ nghề tráng bánh tráng ở quê mình. Bà Phương cho biết, sau nhiều năm trầm lắng, mấy năm gần đây bánh tráng An Giang Đông trở lại đúng với vị trí xưa kia nó từng có - một trong vài loại bánh tráng nức tiếng của Bình Định, nhờ người tiêu dùng trở lại chuộng bánh bánh thủ công. “Tráng cái bánh dày dặn kiểu như làng này nó cực, như chiếc bánh nướng lên nó đầy đặn và thơm phức hương gạo”, bà Phương nói.
Bà Đặng Thị Phương nướng bánh. Ảnh: T. TRỌN
Bánh tết nhưng ở An Giang Đông vẫn giữ giá như ngày thường 15.000 đồng/ràng 10 cái. Nhờ thông tin lan tỏa trên mạng xã hội, chỉ sau một thời gian ngắn bánh tráng gạo đỏ An Giang Đông đã tìm được nhiều khách hàng ở các tỉnh, thành xa như: Đồng Nai, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh…
Nghe tôi hỏi chuyện bánh tráng An Giang Đông, ông Đào Duy Nguyên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức tranh thủ “quảng cáo”: Không chỉ An Giang Đông đâu, nay thì cả An Giang Tây và rải rác ở các thôn còn lại, nghề tráng bánh tráng cũng phát triển rất khá, riêng An Giang Tây có tới 160 hộ theo nghề. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhiều ngành nghề gặp khó khăn, nhưng nghề tráng bánh bị ảnh hưởng rất ít, có lẽ do người ta chuộng tích trữ bánh tráng vì nó có thể để lâu ngày, dễ dàng dùng vào nhiều nhu cầu khác nhau. Tuy nhiên, do bánh được sản xuất hoàn toàn thủ công nên dù rất ngon nhưng sản lượng không cao, thành ra thu nhập bà con chỉ ở mức vừa phải. Hiện, xã cũng đang xúc tiến đăng ký nhãn hiệu tập thể cho làng nghề, đồng thời vận động bà con đầu tư trang thiết bị sản xuất ra nhiều loại bánh tráng, đóng gói trong bao bì có thương hiệu, nhãn hiệu, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.
THANH TRỌN