Bình Định ứng phó với lũ lụt: Theo sát diễn biến, chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại
Thời tiết ngày càng cực đoan, diễn biến mưa lũ cũng phức tạp hơn qua từng năm. Để chủ động phòng ngừa, ứng phó cần kết hợp 3 yếu tố quan trọng: Sự chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền; thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình; người dân chủ động hơn trước hiểm họa thiên tai.
Kỳ 1: Ðồng bộ nhiều giải pháp
Đợt mưa cuối tháng 11. 2021, lưu vực sông Côn - Hà Thanh đón lượng mưa gần gấp đôi so với đợt mưa gây lũ lịch sử tháng 11.2013, cường độ mưa lớn tương đương năm 2013, nhưng mức ngập, diện tích ngập và thiệt hại do lũ lụt vùng hạ lưu thấp hơn rất nhiều so với năm 2013. Có được như vậy là nhờ lãnh đạo tỉnh, các ngành giám sát chặt chẽ, thường xuyên sâu sát với cơ sở và người dân đã được động viên, chủ động ứng phó.
Chủ động giám sát, vận hành hồ chứa lớn
Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Ủy viên Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, Tổ trưởng Tổ Tư vấn vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Côn - Hà Thanh, cho biết: Chúng tôi tính toán theo lượng mưa từ 69 trạm quan trắc lượng mưa tự động, 34 trạm quan trắc mực nước tự động để liên tục điều chỉnh vận hành, khống chế lượng nước qua hồ về hạ lưu luôn nhỏ hơn lượng nước đến hồ. Kiểm soát nước lũ qua điều tiết nước từng thời đoạn của 3 hồ chứa nước Định Bình (dung tích thiết kế 226,3 triệu m3), Núi Một (110 triệu m3), Thuận Ninh (35,36 triệu m3), giữ nước lại trong hồ, làm chệch pha nước lũ lớn cùng dồn dập về sông Côn là nhân tố then chốt làm giảm ngập vùng hạ lưu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp (bên trái), Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, kiểm tra công tác ứng phó thiên tai tại Bình Định đầu tháng 12.2021. Ảnh: HOÀI THU
Khi xảy ra lũ ở vùng đồng bằng, mực nước sông ở Bình Nghi (huyện Tây Sơn), Thạnh Hòa (TX An Nhơn) đã ở mức gần báo động 3 mà mưa tiếp tục rất lớn, Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các chủ hồ sử dụng dung tích phòng lũ các hồ Định Bình (37 triệu m3), Núi Một (30 triệu m3), Thuận Ninh (5 triệu m3) để giảm áp lực xuống vùng hạ lưu. Ông Hồ Đắc Chương chia sẻ đề xuất này rất “cân não”, phải tính toán hết sức căn cơ vì còn phải đảm bảo an toàn hồ chứa...
Từ ngày 27.11 - 3.12.2021, tổng lượng nước lũ đến 3 hồ Định Bình, Núi Một, Thuận Ninh là 420 triệu m3, trong đó đã giữ lại được ở 3 hồ là 149 triệu m3 nước, góp phần làm chậm sự gia tăng mực nước lũ sông Côn. Ngày 3.12, khi về kiểm tra tại Bình Định, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đánh giá cao việc vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Côn - Hà Thanh, nhất là chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định sử dụng dung tích phòng lũ, bởi thực tế hồ chứa nước lớn ở các tỉnh, thành khác còn e ngại chưa sử dụng dung tích phòng lũ lúc nguy cấp, khiến xả nước lũ nhiều hơn về vùng hạ lưu... Hồ chứa nước Đồng Mít (huyện An Lão) dù đang ở giai đoạn thi công hoàn thiện, nhưng cũng góp phần quan trọng điều tiết lũ năm nay. Quả thật nếu hồ Đồng Mít không tham gia cắt giảm lũ cho khu vực phía Bắc tỉnh, thì các huyện An Lão, Hoài Ân, TX Hoài Nhơn có lẽ ngập lụt nặng và thiệt hại đã gấp đôi…
Nâng cấp hồ chứa, tăng năng lực cắt lũ
Từ tháng 9 - 12.2021, tại hơn chục cuộc họp trực tuyến của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, các cấp lãnh đạo luôn nhắc nhở tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trước thiên tai, phải đặt vấn đề bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân lên trên hết, trước hết.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Chi cục Phòng chống thiên tai bão lụt miền Trung và Tây Nguyên (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT), các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chuyến kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục thiệt hại ở các địa phương, kịp thời chỉ đạo thực hiện các giải pháp, tháo gỡ các khó khăn, hạn chế, bất cập nảy sinh theo thực tế ứng phó diễn biến mưa lũ phức tạp hơn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã đề nghị tỉnh Bình Định có giải pháp cả về công trình và phi công trình; trong đó không chỉ ủng hộ mong muốn của tỉnh về việc nâng cấp hồ Định Bình mà còn định hướng nâng cấp hồ Núi Một. Sự quan tâm này tạo cơ sở quan trọng để sau đó tỉnh đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT nghiên cứu đầu tư nâng cấp hồ chứa nước Định Bình thêm 150 triệu m3; nâng cấp hồ chứa nước Núi Một thêm 40 triệu m3 để bảo đảm dung tích phòng lũ, cắt giảm lũ cho vùng hạ lưu sông Côn; xây dựng mới hồ chứa nước Suối Lớn trên lưu vực sông Hà Thanh, dung tích khoảng 20 triệu m3 để cắt lũ, giảm lũ cho TP Quy Nhơn và vùng phụ cận.
Theo ông Hồ Đắc Chương, dù tỉnh đã đầu tư nhiều công trình thủy lợi, cùng nỗ lực phòng ngừa, chủ động ứng phó, nhưng ngập lụt vẫn xảy ra gây nhiều thiệt hại. Bên cạnh nguyên nhân thời tiết cực đoan, gây mưa nhiều đợt liên tiếp trên diện rộng, còn bởi nhiều nguyên nhân khác. Đó là: Một số đoạn sông vùng đồng bằng và ven biển bị thu hẹp, năng lực tải lũ của các sông kém. Một số đập công trình trên sông (đập dâng, cầu) có khẩu độ nhỏ không đáp ứng được với hình thái mưa gây lũ như thời gian vừa qua. Các công trình thoát lũ qua đường sắt, quốc lộ, đường tránh quốc lộ chưa đủ khẩu độ để đáp ứng yêu cầu thoát lũ. Hạ tầng nông thôn, đô thị, khu dân cư, giao thông ngày càng phát triển, thảm phủ thực vật thay đổi đã làm giảm diện tích trữ lũ, điều hòa lũ...
Tỉnh Bình Định cũng kiến nghị, đề xuất Chính phủ, Bộ NN&PNNT, Bộ GTVT… về nhiều giải pháp phòng chống lũ. Về phi công trình, triển khai cắm biên hành lang thoát lũ các sông lớn của tỉnh và di dời các hộ dân nằm trong hành lang thoát lũ; thông thoáng lòng sông, suối đáp ứng yêu cầu thoát lũ. Quy định nội dung kế hoạch quản lý lũ tổng hợp lưu vực sông kết hợp quy trình vận hành các hồ chứa giảm lũ cho hạ lưu. Bổ sung các trạm quan trắc tự động về mưa, mực nước, lưu lượng trên các sông. Xây dựng công cụ điều hành hồ chứa nước, liên hồ chứa hỗ trợ thông báo, ra quyết định nhanh hơn theo diễn biến thực tế, để điều tiết nước lũ tốt hơn... Về công trình, ngoài nâng cấp, xây mới hồ chứa, thực hiện kiểm tra, khắc phục hạn chế trong công trình thoát lũ trên các tuyến QL 1A, QL 19, đường tránh quốc lộ, các tuyến tỉnh lộ… Mở rộng 6 đập dâng trên các sông để tăng cường thoát lũ. Hỗ trợ xây dựng các nhà tránh trú cộng đồng, xây dựng các khu tái định cư để di dời dân ở các vùng bị ngập lụt nhiều, sạt lở đất...
● Ngày 15.12.2021, lần đầu tiên UBND tỉnh Bình Định ra quyết định thành lập Hội đồng thẩm định quy trình vận hành công trình thủy lợi lớn trên địa bàn, căn cứ theo các Luật Phòng chống thiên tai, Khí tượng thủy văn, Thủy lợi... Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Sở NN& PTNT phụ trách lĩnh vực thủy lợi, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi làm Phó Chủ tịch Hội đồng, cùng lãnh đạo các phòng của sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tham gia thành viên hội đồng, ủy viên phản biện. Hội đồng này góp phần giám sát chặt chẽ việc vận hành các hồ, việc xả lũ… đảm bảo an toàn cho dân.
● Theo thống kê của Sở NN&PTNT: Năm 2016, tỉnh Bình Định có 5 đợt lũ lớn liên tiếp, thiệt hại hơn 2.400 tỷ đồng; năm 2017 có 3 đợt lũ lớn liên tiếp, thiệt hại 1.154 tỷ đồng; năm 2018 có 2 đợt lũ lớn, thiệt hại 520 tỷ đồng; năm 2019 có 1 đợt lũ lớn, bão số 5, thiệt hại 368 tỷ đồng; năm 2020 có 1 đợt lũ lớn, thiệt hại 1.043 tỷ đồng; năm 2021 có 3 đợt lũ lớn, thiệt hại 378 tỷ đồng.
HOÀI THU
● Kỳ 2: Người dân chủ động