Truyền thông giảm thiểu tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Năm 2021, tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có chiều hướng giảm. Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” đang được triển khai, nhằm từng bước thay đổi nhận thức, nếp nghĩ của đồng bào dân tộc thiểu số về hôn nhân, gia đình.
Tình trạng tảo hôn có chiều hướng giảm
Năm 2021, tình trạng tảo hôn vẫn còn diễn ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), đặc biệt là ở các xã đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, với tổng số 51 trường hợp. Huyện Vĩnh Thạnh có 11 trường hợp chỉ có vợ hoặc chồng chưa đến tuổi kết hôn. Huyện An Lão có 18 trường hợp, gồm 4 cặp cả vợ và chồng chưa đến tuổi kết hôn; 14 trường hợp chỉ có vợ hoặc chồng chưa đến tuổi kết hôn. Huyện Vân Canh có 17 trường hợp; trong đó có 10 trường hợp cả vợ và chồng chưa đến tuổi kết hôn và 7 cặp chỉ có vợ hoặc chồng chưa đến tuổi kết hôn. Huyện Hoài Ân có 3 trường hợp; trong đó, có 2 trường hợp cả vợ và chồng chưa đến tuổi kết hôn. Huyện Tây Sơn có 2 trường hợp; trong đó, cả 2 trường hợp vợ và chồng chưa đến tuổi kết hôn.
Hoạt động truyền thông giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại xã Canh Hòa (huyện Vân Canh) do Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Tỉnh đoàn thực hiện. Ảnh: VĂN LƯU
Tuy nhiên, so với năm 2020, tình trạng tảo hôn trong đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh năm 2021 có chiều hướng giảm. Năm 2020, Bình Định có 79 trường hợp tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS. Điều này cho thấy nỗ lực giảm thiểu tảo hôn trong cộng đồng DTTS thời gian qua.
Ông Đinh Văn Lung, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, nhận định: “Tình trạng tảo hôn nhìn chung vẫn còn diễn ra ở một số xã và các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh; trong đó, tình trạng kết hôn sớm do quan hệ tình dục và mang thai trước hôn nhân đang có chiều hướng gia tăng. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bố trí kinh phí để tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại địa phương. Ngoài ra, công tác nắm bắt tình hình, phát hiện các trường hợp tảo hôn, xử lý vi phạm pháp luật tại một số địa phương còn chưa kịp thời, thiếu kiên quyết”.
Tiếp tục truyền thông
Thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật về hôn nhân, gia đình. Trong năm 2021, có 10 pa nô tuyên truyền về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được lắp tại 10 thôn, làng của các xã: Canh Thuận (huyện Vân Canh), An Vinh (huyện An Lão), Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh). Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với các huyện, Tỉnh đoàn, Hội LHPN tỉnh tổ chức các diễn đàn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 15 xã khu vực III, xã có đông đồng bào DTTS sinh sống và các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh.
Xác định đây là một nhiệm vụ có tính lâu dài, từng bước góp phần nâng cao nhận thức, đời sống đồng bào DTTS, đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025” cần được tiếp tục triển khai sâu rộng trong thời gian tới.
Năm 2022 và những năm tiếp theo, Ban Dân tộc tỉnh và Sở GD&ĐT tiếp tục đưa nội dung giáo dục giới tính; các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình; tác hại, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vào tuyên truyền, giáo dục trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; tăng cường công tác hướng nghiệp, hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt Đoàn, Đội, CLB, tổ, nhóm... trong trường học để tuyên truyền, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật về hôn nhân và gia đình đối với học sinh, đặc biệt là học sinh người DTTS. Các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp, lồng ghép các hoạt động để thực hiện có hiệu quả đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2021 - 2025” (giai đoạn II).
UBND các huyện: Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Hoài Ân, Tây Sơn và Phù Cát cần tập trung chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng kiểm tra các thôn, làng, khu phố chưa đưa nội dung tảo hôn vào hương ước, quy ước và chưa thực hiện cam kết không tảo hôn để tiếp tục đôn đốc thực hiện. Đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 25/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh về Quy định thang điểm, tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Khu phố văn hóa” trên địa bàn tỉnh. Khi phát hiện tình trạng tảo hôn, chính quyền địa phương phải phối hợp với ủy ban MTTQ Việt Nam và các hội, đoàn thể kịp thời giải thích, vận động, lập biên bản đình chỉ, không cho tổ chức kết hôn, sống chung với nhau như vợ chồng; đồng thời, xử phạt hành chính các trường hợp không chấp hành theo quy định pháp luật, hương ước, quy ước khu dân cư và có biện pháp xử lý các địa phương còn để xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…
NGUYỄN MUỘI