Nông nghiệp Việt Nam cần đổi mới mạnh mẽ để phát triển hơn
(BĐ) - Sáng 29.12, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2021 và triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, giá trị gia tăng toàn ngành năm 2021 ước tăng khoảng 2,85 - 2,9%; kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 48,6 tỷ USD. Trong đó, nông nghiệp tăng trên 3,18%, lâm nghiệp tăng trên 3,85%, thủy sản tăng trên 1,85%; tỷ lệ che phủ rừng trên 42%; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 68,2%. Chỉ tiêu cơ bản của ngành năm 2022: Giá trị gia tăng toàn ngành khoảng 2,8 - 2,9%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,9 - 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành khoảng 49 tỷ USD; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới trên 73%... Qua đó, Bộ NN&PTNT đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp chính để triển khai thực hiện trong năm tới, được lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, DN đóng góp ý kiến.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: HOÀI THU
Chủ trì điểm cầu tỉnh Bình Định, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh báo cáo những kết quả nổi bật của ngành NN&PTNT tỉnh năm 2021, được lãnh đạo Bộ NN&PTNT đánh giá cao. Tỉnh Bình Định kiến nghị: Chính phủ ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ người chăn nuôi có trâu bò bị chết, tiêu hủy do bệnh viêm da nổi cục, để địa phương có cơ sở chi hỗ trợ cho người dân khôi phục, phát triển sản xuất. Bộ NN&PTNT xem xét đề nghị của tỉnh về điều chỉnh, bổ sung quy hoạch Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp với cảng cá Tam Quan từ cảng cá loại II qua nhóm cảng cá loại I; bố trí nguồn kinh phí để hỗ trợ cho địa phương thực hiện hai dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá kết hợp Cảng cá Tam Quan, Cảng cá Đề Gi. Nghiên cứu nâng cấp hai hồ chứa nước Định Bình, Núi Một, xây dựng mới hồ chứa nước Suối Lớn, góp phần quan trọng cắt giảm lũ cho vùng hạ du.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực vượt qua khó khăn của ngành NN&PTNT đã đóng góp rất quan trọng vào phát triển KT-XH của đất nước năm 2021, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, tồn tại phải lưu ý: Nông nghiệp chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, nhất là kinh tế biển. Chưa thực sự chủ động phát triển theo định hướng, thích ứng linh hoạt với diễn biến mới, mà còn thụ động phụ thuộc vào thị trường, biến đổi khí hậu, cùng các vấn đề liên quan. Nhiều lĩnh vực phát triển chưa bền vững, đi vào chiều sâu; chưa dựa vào khoa học công nghệ và chuyển đổi số. Cần chú trọng nhiều hơn đến công nghệ chế biến sau thu hoạch sản phẩm nông nghiệp để nâng cao hiệu quả, giá trị. Công tác bảo vệ và phát triển rừng còn nhiều bất cập, hạn chế. Chưa có cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn lực đầu tư vào ngành NN&PTNT...
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, DN đối với Chính phủ để xem xét giải quyết; đồng thời chỉ đạo cụ thể nhiều giải pháp khắc phục hạn chế nêu trên, trong đó nhấn mạnh: Cần phải đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa, nâng cao tầm dự báo chiến lược để tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao hơn theo phương châm: “Nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng”. Ngành NN&PTNT cần đặt ra mục tiêu phấn đấu cao hơn trong năm 2022, qua đó triển khai bài bản, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả bám sát theo tình hình thực tế.
HOÀI THU