Bình Định ứng phó với lũ lụt: Theo sát diễn biến, chủ động phòng chống, giảm thiểu thiệt hại
Kỳ 2: Người dân chủ động
Những ngày cuối tháng 12, trời hửng nắng, chúng tôi quay lại các địa phương vừa qua các đợt ngập lụt sâu trước đó. Nhiều hộ dân nơi đây đã cho thấy sự thích nghi, chủ động ứng phó bởi trải nghiệm thời tiết ngày càng cực đoan qua các năm gần đây.
Khu dân cư ở tổ 3, KV 3, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn là nơi thường xuyên lâm vào tình trạng ngập sâu khi có lũ lụt lớn, bởi nằm sát một nhánh sông Hà Thanh, ca nô hầu như không thể vào cứu hộ, cứu nạn được vì nước lũ chảy xiết. Do vậy, phần lớn hộ dân tùy điều kiện đều ít nhiều có giải pháp “sống chung với lũ”. Ông Nguyễn Văn Dư (60 tuổi) cho hay, đợt lụt lịch sử năm 2009, ngôi nhà nhỏ của ông ngập đến ngang ngực... Sau đó, ông dành dụm và vay mượn thêm, đến năm 2011 xây nhà mới ở sát bên cạnh nhà cũ, nâng nền cao hơn 0,8 m so với nền nhà cũ, đồng thời xây nhà 1 trệt 1 lầu để có chỗ tránh lụt.
Sau hai “cột mốc” lũ lụt năm 2013, 2016, phần lớn người dân ở tổ 3 lần lượt xây nhà mới, nâng cao nền so với trước đây từ 1 - 1,5 m theo thực tế ngập lụt qua các năm, nhà nào không xây lầu thì cũng làm gác lỡ. “Lũ lụt năm 2009, nhà ngập gần đến nóc, gia đình tôi phải dỡ ngói leo lên mái tránh lụt... Đến lụt năm 2013, mỗi người trong nhà kê một ghế đẩu lên trên giường mà nước cũng đã gần chạm mặt ghế, co chân ngủ ngồi suốt đêm... Lũ lụt năm 2016 đỡ hơn nhưng vẫn khốn đốn! Không thể bị động mãi, tôi quyết định dành dụm, vay mượn thêm để làm gác lỡ ở phía sau nhà, chứ chưa xây mới, nâng nền nhà phía trước lên cao được. Khi lũ lụt lớn thì ra phía sau lên gác lỡ, đảm bảo an toàn cho gia đình 7 người chúng tôi”, ông Dương Xuân Chín (63 tuổi) bộc bạch.
Trong đợt lũ lụt cuối tháng 11.2021, xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước bị nước bao vây bốn bề. Người dân địa phương có cách thích ứng với lũ lụt.
Làm nông, có thêm nghề thợ xây, không chỉ xây ngôi nhà nhỏ đủ cao để vượt lũ, anh Trần Thanh Đông (đội 4, thôn Hưng Nghĩa) còn làm một số khung sắt cao khoảng 1,5 m để gác những vật dụng cần bảo vệ lên trên mỗi khi lũ lụt. Rồi để bớt cái nạn chạy lũ cho bò, năm ngoái, anh xây chuồng bò bằng gạch, lợp tôn, nền chuồng nâng cao hơn 1 m so với mặt sân. Lũ lụt cuối tháng 11.2021, thôn Hưng Nghĩa cũng ngập sâu gần ngang mức lụt lịch sử năm 2013, nhưng 4 con bò nhà anh, nước chỉ ngập đến gần đầu gối....
Cũng ở vùng trũng thấp ven sông không tránh khỏi ngập lụt sâu là tổ 2, khu vực Huỳnh Kim (phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn), người dân chủ động nâng cốt nền nhà, xây chuồng bò để ứng phó. Sau trận lụt “mất hồn” năm 2013, gia đình ông Trần Minh Đay (53 tuổi) quyết định xây nhà mới, nâng nền cao hơn 1 m so với trước. Tiếp sau trận lụt lớn năm 2016, ngoài việc xây lại và nâng nền chuồng bò, ông Đay còn làm cả kho chứa rơm bằng tôn và khung sắt, cao khoảng 3 m so với mặt đất, có lối đi bằng thang nối liền nhà - kho - chuồng bò, rất tiện để di chuyển trong mùa mưa lũ. “Mùa khô thì mình dỡ thang ra cất, đến mùa mưa thì lắp vào, tháo lắp rất tiện”, ông Đay chia sẻ.
Đợt lũ lụt cuối tháng 11.2021, chúng tôi tìm đến khu vực Phú Sơn (phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn), nằm hạ lưu sông Côn, nhưng không vào được do đường phía trước ngập sâu. Quay trở lại vào một ngày nắng, thấy rõ phần lớn các nhà dân nơi đây đều xây dựng vững chắc, có những nhà mới xây 1 - 2 lầu, hoặc nâng nền đến cao trình có thể vượt lũ.
Ngày càng nhiều hộ dân vùng lũ lụt trên địa bàn tỉnh xây mới, nâng cấp nhà để phòng tránh thiệt hại về người và tài sản khi có lũ lụt, mưa bão. Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, năm 2016 có 582 nhà sập, bị nước lũ cuốn trôi. Con số thiệt hại giảm rõ rệt trong 3 năm: 2019 có 143 nhà sập; 2020 có 79 nhà sập; 2021 có 37 nhà sập (19 nhà thiệt hại hoàn toàn, 10 nhà thiệt hại từ 30 - 70%, 8 nhà thiệt hại dưới 30%).
Ông Nguyễn Viên (62 tuổi), người dân Phú Sơn, chia sẻ: “Lũ lụt lịch sử năm 2013, nước ngập gần đến mái khiến nhà bị hư hại… Sau đó, để chủ động ứng phó, tôi cất nhà vững chắc trên diện tích 100 m2, nâng nền nhà cao hơn so với trước đây khoảng 0,7 m, tổng chi phí hết 400 triệu đồng. Đợt lũ lụt cuối tháng 11 vừa rồi nước dâng cao nhưng cũng chỉ ngập nền nhà khoảng 0,2 m”.
Tự dành dụm đầu tư xây mới, nâng cấp nhà để chủ động ứng phó lụt cũng là điểm chung của nhiều hộ dân ở các khu dân cư thường bị ngập sâu mỗi khi có lũ lụt lớn như ở thôn Chánh Định, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát; thôn Phổ Đồng, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước...
Để thích ứng với thời tiết, khí hậu ngày càng cực đoan, với sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức xã hội, ngày càng có nhiều hộ dân chủ động ứng phó, góp phần quan trọng giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của người dân. Điểm đáng mừng là người dân Bình Định không hề ỷ lại vào Nhà nước mà ngược lại, do thấy hiệu quả thiết thực của việc chủ động phòng tránh lũ lụt ngày càng có thêm nhiều hộ dân chủ động phòng bị, “nhà nào tránh lụt ở nhà nấy”, điều này còn giúp giảm bớt nỗi lo nguy cơ lây lan dịch Covid-19 khi di dời dân tập trung đông người một chỗ tránh lụt...
* Ông Nguyễn Văn Đức (70 tuổi, thôn Phổ Đồng, xã Phước Thắng, huyện Tuy Phước): Vùng này là rốn lũ nên hầu hết hộ dân đều cố gắng nâng nền nhà cao, xây gác lỡ để tránh lụt. Đồng thời, tích trữ lương thực dùng cho gia đình trong nhiều ngày bị nước lụt chia cắt. Lúa thu hoạch nếu còn nhiều thì giá có thấp cũng bán hết trước mùa mưa lụt, chỉ giữ lại một ít đủ dùng để tránh thiệt hại.
* Ông Nguyễn Viên (62 tuổi, khu vực Phú Sơn, phường Nhơn Hòa, TX An Nhơn): Ngoài việc xây mới, nâng cấp nhà, việc dự báo, cảnh báo mưa bão, lũ lụt trên các phương tiện thông tin truyền thông đã nhiều, chính xác, cập nhật thường xuyên hơn, người dân chúng tôi luôn theo dõi qua truyền hình, đài phát thanh và cả mạng xã hội để ứng phó, bảo vệ tính mạng và tài sản của mình.
* Ông Nguyễn Văn Bình (62 tuổi, thôn Chánh Định, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát): Sống ở vùng ngập lụt sâu chia cắt thì người dân luôn chủ động bảo vệ tính mạng và tài sản của mình. Thực ra 2 - 3 năm mới có lũ lụt lớn, người dân quá quen với ngập lụt thường chỉ trong khoảng thời gian rất ít trong năm, đổi lại vùng đất này được phù sa bồi đắp, trồng lúa rất tốt, cá cũng nhiều... đem lại nguồn lợi cho chúng tôi.
HOÀI THU