Cảng Thị Nại: Tăng trưởng trong “bão” dịch, đón cơ hội mới
Bất chấp tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, Cảng Thị Nại về đích năm 2021 với kết quả ấn tượng khi sản lượng thông qua Cảng dự kiến đạt 1,7 triệu tấn, vượt 31% kế hoạch năm và tăng 41% so với 2020; doanh thu ước đạt 93,3 tỷ đồng, tăng 82%; lợi nhuận trước thuế tăng 3 lần năm trước.
Ban giám đốc cùng toàn thể cán bộ, công nhân viên Cảng Thị Nại đã bám sát và thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển sản xuất kinh doanh. Cảng vẫn tiếp nhận tàu từ nước ngoài, trong đó một số tàu từ vùng dịch về, các biện pháp phòng dịch được triển khai nghiêm ngặt tại khu vực cảng biển để đảm bảo công tác đón tàu, thuyền cập cảng làm hàng không bị gián đoạn, duy trì “dòng chảy” hàng hóa xuyên suốt.
Đầu tư nguồn lực con người, thiết bị
Ngay trong bối cảnh khó khăn, việc cung cấp dịch vụ khai thác cảng vẫn được đầu tư nâng cấp chất lượng thông qua đầu tư cho con người, trang thiết bị hiện đại. Cảng Thị Nại đặc biệt chú trọng chiến lược đầu tư vào hạ tầng cầu cảng, kho bãi, thiết bị, công cụ… Cảng đổi mới phương pháp xếp dỡ, nâng cao hệ số khai thác sử dụng cầu cảng.
Thời điểm cao điểm hàng hóa tập trung nhiều, để giải phóng tàu nhanh, giảm chi phí, Cảng tổ chức làm hàng qua mạng internet, tăng cường làm hàng ca 3, ca 4, đảm bảo năng suất, chất lượng, hiệu quả cao v àan toàn lao động tuyệt đối, bố trí kế hoạch khai thác cầu bến hợp lý, hiệu quả. Kịp thời ban hành các quy trình, quy định liên quan đến công tác xếp dỡ, sửa chữa bảo dưỡng phương tiện thiết bị, quản lý, cung ứng dịch vụ cho khách hàng thuận tiện đến giao dịch làm hàng tại Cảng.
Bà Lâm Ánh Vy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Thị Nại, cho hay: Chúng tôi luôn theo dõi xu hướng vận tải trong nước và thế giới để bắt kịp và thích ứng với các dịch chuyển trong cơ cấu hàng. Ví dụ, để phục vụ các tàu có trọng tải lớn và đa số là hàng xá (dạng hàng hóa được vận chuyển số lượng lớn, không đóng thành kiện và chứa trong các khoang hàng của tàu như sắt thép, máy móc, phân bón, nông sản, xăng dầu…), Cảng đã đầu tư nhiều trang thiết bị, công cụ chuyên dụng như các loại xe cẩu 65 tấn, 80 tấn, gầu ngoạm 6 m3, cân điện tử 100 tấn… Nhờ đó, bên cạnh việc giữ được khách hàng cũ, chúng tôi còn khai thác được thêm nhiều khách hàng mới. Đặc biệt, năm 2021 Cảng Thị Nại đã tiếp cận thành công Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn để khai thác các tàu vận tải thiết bị điện gió.
Tăng năng lực khai thác để đón cơ hội mới
Mặc dù có những khó khăn khách quan khi diện tích chật hẹp, Cảng Thị Nại đang giữ được tính cạnh tranh cao và đóng vai trò lớn trong chiến lược phát triển của cụm cảng.
Hiện Công ty CP Cảng Thị Nại khai thác trên tổng diện tích mặt bằng 30.700 m2 với cơ sở hạ tầng 2 cầu cảng liền bờ, phục vụ xếp dỡhàng tổng hợp gồm: Cầu cảng số 1 (30.000 DWT giảm tải, dài 160 m) và cầu cảng số 2 (5.000 DWT, dài 123 m); hệ thống 7 kho hàng khô với tổng diện tích 7.630 m2; hệ thống bãi sau cầu với tổng diện tích 12.000 m2.
Cảng Thị Nại làm hàng bao, hàng xá cho khách hàng. Ảnh: Cảng Thị Nại
Bà Lâm Ánh Vy cũng chia sẻ về phương hướng hoạt động trong năm tới. Theo đó, Cảng Thị Nại sẽ thực hiện các công tác trọng điểm xuyên suốt như xây dựng hệ thống quản trị, quy trình quản lý, đào tạo nâng cao năng lực; hiện đại hóa phương pháp xếp dỡ, nâng cao hệ số khai thác sử dụng cầu cảng; duy trì các khách hàng truyền thống, tăng cường khai thác nguồn hàng, khách hàng mới chú trọng mặt hàng rời, hàng thùng với tiến độ giải phóng tàu nhanh, doanh thu cao, chi phí thấp; đầu tư thiết bị, công cụ, hạ tầng. Năm 2022, sau khi đầu tư thêm 1 xe cẩu Cảng Thị Nại sẽ hướng đến sản lượng xếp dỡ 2 triệu tấn/năm.
Đồng thời, Cảng Thị Nại cũng hướng đến những mục tiêu xa hơn, lớn hơn như hoàn thành thủ tục pháp lý, đánh giá tác động môi trường, tiến hành nạo vét vùng nước trước bến và luồng ra vào cảng, vũng quay để có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn hơn; hoàn thiện thủ tục pháp lý để tiến hành xây dựng, đưa vào hoạt động Khu trung tâm dịch vụ kho bãi Cảng Thị Nại trên trục QL 19.
“Để trở thành một cảng biển hiện đại, cạnh tranh tốt, chúng tôi hiểu rõ chiến lược phát triển không chỉ nằm ở đầu tư, nâng cấp thiết bị mà quan trọng hơn là đầu tư cho con người, hệ thống, quy trình làm việc… từ đó xây dựng văn hóa DN chuyên nghiệp, hiện đại, cầu thị, có tâm và có tầm. Ngoài ra, liên tục cập nhật, đơn giản hóa, hiện đại hóa quy trình làm việc, hệ thống quản trị, giảm thiểu tối đa thủ tục, quy định cản trở chất lượng và tiến độ công việc”, bà Lâm Ánh Vy nhấn mạnh.
MAI HOÀNG