Nuôi cỏ dại để bảo vệ đất
Đây là kỹ thuật canh tác nông nghiệp hữu cơ đang được nhiều nông dân trong tỉnh áp dụng. Nuôi cỏ không chỉ để giữ ẩm cho đất, tiết kiệm nước tưới, mà còn tạo ra nguồn bổ sung dinh dưỡng cải tạo đất.
Cách đây 5 năm, từ TP Hồ Chí Minh về Bình Định, chị Phùng Thanh Miền thuê 4 ha đất tại thôn Háo Lễ, xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước lập vườn Gia vị nhiệt đới để khởi nghiệp trồng rau sạch. Do đất bị thoái hóa nặng nên chị Miền quyết định dành ra 2 năm để cải tạo đất. Trong thời gian này, chị để cỏ dại mọc phủ kín vườn, thỉnh thoảng rải phân bò, tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Cách làm không giống ai này khiến nhiều người dị nghị vì đất không có canh tác lại cho thuê để... nuôi cỏ. Nhưng đến nay, vườn Gia vị nhiệt đới đã thành một vùng trồng cây ăn trái, rau màu xanh mơn mởn. Nhờ được truyền cảm hứng từ chị Miền, nhiều nông hộ xung quanh đã thay đổi thói quen canh tác.
Anh Trịnh Hưng Công, chủ vườn Yuuki Farm (TX An Nhơn), nuôi cỏ dại để dưỡng đất. Ảnh: HỒNG HÀ
Chị Miền tâm sự, nông nghiệp hữu cơ giúp đất bền vững ngày càng tốt hơn, năng suất cũng ngày càng tăng. Duy trì đúng mức và chính xác thì cỏ là bạn của nhà nông.
Anh Nguyễn Cảnh Duy, chủ cơ sở sản xuất trà dung Cazin ở xã Canh Vinh, huyện Vân Canh trồng 1 ha bưởi. Ban đầu, anh xen canh đậu dưới gốc bưởi, hết mùa đậu anh để cỏ mọc tự nhiên. Cứ cỏ cao khoảng 50 - 60 cm là anh cắt còn khoảng 10 cm. Phần cỏ cắt được anh ủ làm phân hữu cơ hoặc để tự nhiên để chúng mủn ra, lẫn vào đất, tạo thành nguồn bổ sung dinh dưỡng cho đất. Anh Duy chia sẻ: Vườn nhà tôi nằm trên đất gò đồi, mùa mưa thì bị xói mòn, lở đất, mùa nắng thì khô cạn. Từ khi trồng đậu và giữ lại cỏ, tình trạng xói mòn giảm hẳn, lại giữ ẩm nên tiết kiệm được nước tưới.
Theo kỹ sư Hồ Quang Thạch, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, quản lý cỏ dại là mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang được một số nông dân trong tỉnh áp dụng. Nếu biết áp dụng biện pháp quản lý cỏ dại, nông dân sẽ thu được nhiều lợi ích thiết thực.
KHÁNH LINH