Lễ hội ngày mưa của mẹ
“Ông tha mà bà hổng tha
Còn cho cái lụt hăm ba tháng mười…”
Hăm ba tháng mười đã qua lâu lắc mà trời còn làm mưa làm gió dầm dề. Mỗi lần chạy xe trên quốc lộ, ngó xuống đồng ruộng trắng lăng nước bạc là bất chợt lòng người xa quê lại xốn xang niềm nhớ, bỗng thèm thuồng quá đỗi cái cảm giác thân thương khi gặp lại mùi khói bếp nồng hương ngày cũ của bà lão bánh xèo giữa cánh đồng nước lụt.
Mùi thơm vương vấn cả không gian sớm mai yên bình. Ảnh TL
Dưới chân cầu Mỹ Cang, giữa cánh đồng Phước Sơn, (Tuy Phước) có một quán nhỏ nằm nép bên những cây rơm vàng lút mái bên đường. Không tiếp viên chào mời, không bảng hiệu, nhưng quán luôn được khách xa tìm đến trong niềm hào hứng của những người… đi săn đồ cổ.
Thật lạ, chẳng biết điều gì đã làm cho ngôi quán đơn sơ giữa đường quê rơm rạ của bà lão tuổi đã bát tuần trở nên hấp dẫn với du khách gần xa đến vậy? Đơn giản, chỉ là vì từ hơn ba chục năm nay, quán của bà Năm ngày nào cũng chỉ bán độc nhất một món là bánh xèo nhân tôm. Những con tôm được sinh sôi từ phù sa và rong rêu đầm Thị Nại, vừa mới được vớt lên khi đang bơi lội tung tăng nơi mé rạn là đã vội tung mình ngay trên chảo bánh, để cống hiến hết những ngon ngọt giòn thơm cho thực khách. Có lẽ do vậy mà món bánh của bà Năm mới mang tên Bánh Xèo Tôm Nhảy, cái tên thật thà, ngồ ngộ nhưng sức thu hút thì chẳng kém bất cứ món ăn mỹ miều nào trong thực đơn của nhà hàng sang trọng.
Bột xay đến đâu, đúc bánh đến đó. Ảnh TL
Quán bà Năm, mười ngày như chục, bắt đầu mở cửa từ bảy giờ sáng và đóng cửa tầm chín, mười giờ, khi hết bánh. Chính vì vậy mà khách sành ăn chỉ cần chậm chân một chút là coi chừng…công cốc. Đến được quán bà Năm trong giờ phục vụ, nhiều người đã cảm thấy may mắn. Đến rồi, nếu đúng lúc quán vắng khách là thêm một lần may nữa. Bởi bà Năm chỉ phục vụ từng bàn khách theo thứ tự, nếu đến sau xin mời ngồi chờ để quán toàn tâm phục vụ người đến trước. Nét riêng của bánh xèo bà Năm chính là ở đó.
Nguyên liệu chính để làm nên món quê bao người thương nhớ chính là hạt gạo đồng thơm dẻo và bầy tôm đất tươi rói của vùng đất cuối sông đầu biển. Gạo được ngâm từ đêm trước, sáng ra, xay bột đến đâu đổ bánh ngay đến đó để khỏi bị chua. Con tôm đất trong veo vẫn đang ngỡ ngàng nhún nhảy bởi vừa bất ngờ được vớt lên khỏi mặt đầm mịt mờ sương sớm đã bị trút ngay vào khuôn dầu sôi nóng bỏng, cả bọn hoảng hốt đua nhau búng mình tanh tách. Bên lò than rực hồng quây tròn bởi những chiếc khuôn reo vang rộn rã, bà Năm nhịp nhàng và điệu nghệ tạo hình từng chiếc bánh trong khi thực khách háo hức cầm đũa đợi chờ.
Đầu tiên là chút dầu nóng bốc hơi nghi ngút, tiếp đến là lớp bột mỏng tráng đều mặt khuôn, rồi lũ tôm đất tươi xanh nhảy ào vào chảo, sau tích tắc bật mình lần cuối sẽ nằm im chín đỏ bởi sức nóng của lửa than hừng hực. Thêm chút giá trắng, hành xanh vun ngọn. Bánh chín giòn, vàng ruộm, tỏa hương lừng thơm đầy gian bếp. Nhìn chiếc bánh hiện dần hình hài như bức tranh đắp nổi trên bếp than tí tách, khách xa quê bỗng rưng rưng nhớ về tuổi thơ xưa cùng chúng bạn chơi trò nấu cỗ đồ hàng, với mâm sơn hào hải vị đầy ắp lá hoa và tiếng cười thơ trẻ.
Sự kết hợp hài hòa về màu sắc và mùi vị. Ảnh TL
Bánh chín được cái nào, quán phục vụ khách ngay cái nấy. Đó là cách ăn bánh xèo bên bếp lửa mà bất cứ người dân quê Bình Định nào cũng nhớ, nhất là mỗi khi mùa mưa trở lại. Các thứ ăn kèm bánh xèo thường là rau sống và bánh tráng. Rau sống toàn là đồ dễ kiếm: Nào xoài, nào khế, nào dưa leo, cùng đôi ngọn rau thơm hái ở góc vườn. Thức chấm thường là nước mắm cá cơm pha cùng chanh, tỏi, ớt. Nhúng miếng bánh tráng dẻo trong, khẽ đặt lát bánh xèo còn nóng giẫy vào chính giữa, kèm chút rau sống rồi cuốn lại, lướt qua chén nước mắm thơm lừng gia vị. Một chút giòn thơm của gạo, chút ngọt sắc của tôm, vị chát chua của xoài, của khế, cái cay cay, thơm thơm của rau, của ớt… Tất cả những khác biệt quyện lại cùng nhau, làm nên một sự hài hòa như không thể có một sự kết hợp nào tuyệt vời hơn thế.
Khách phương xa tìm đến quán, đầu tiên thường do hiếu kỳ bởi lời đồn về một món ăn ngon và cung cách phục vụ có phần khác lạ. Khi đến rồi, gặp gia chủ, thưởng thức món ăn và không gian quán, khách mới chợt hiểu: Họ đang được mời lãng du về một thế giới quê mùa hồn hậu của nông thôn Bình Định xưa còn sót lại. Cái cách bà Năm vừa đổ bánh vừa ân cần phục vụ riêng từng đợt khách làm cho ta bỗng nhớ về những bà mẹ quê xưa. Nơi đó, trong tâm trí những người từng lớn lên dưới bờ tre, gốc rạ đều có những kỷ niệm ấm áp về những bữa tiệc bánh xèo khi mùa mưa đến. Nhớ những ngày mưa xưa, khi lụt tràn về, nước giăng trắng đồng, mỗi ngôi nhà bỗng thành một ốc đảo, chợ búa không thể họp, trẻ con không thể đến trường… Những bà mẹ quê nghèo luôn giàu sáng kiến, nghĩ ra mọi cách để gia đình có bữa quây quần bên bếp bằng những thứ kiếm được quanh nhà. Buông vó tìm mấy con tôm, xay đôi lon gạo, hái mấy đọt rau sau vườn… Mặc cho trời mưa lũ, cả nhà quây quần bên bếp. Nổi lửa. “ Xèo xèo”! Thế là thành lễ hội! Bọn trẻ con xúm xít đợi chờ, bánh vừa rời khuôn cái nào là chén ngay nóng hổi. Bà mẹ cứ thế nhanh tay tráng bột, thêm tôm…, phục vụ cả nhà cho đến lúc bọn trẻ lăn kềnh ra vì no và sảng khoái. Chồng con yên vị rồi, đó mới là lúc mẹ ngồi thong thả đổ bánh cho mình. Phần nhân bánh đơn sơ là vài con tôm, đôi cọng giá…, có bao nhiêu đã gom hết cho chồng con cả; phần mẹ, cuối cùng chỉ còn lại dăm muỗng bột, vậy là có món bánh xèo vỏ! Bánh xèo vỏ là thứ bánh không nhân, mỏng dính, chín nhanh, ăn vội khi còn nóng. Là miếng bánh được làm từ muỗng nước tráng vài hạt bột cuối cùng còn dính cạnh đáy thau. Bánh xèo vỏ không nhân, nhưng lẫn hòa trong ấy là gió mưa của ngày nước bạc, là mồ hôi chát mặn tảo tần của mẹ, là nước mắt hạnh phúc của người đàn bà được dâng hiến tất cả tình yêu và sức lực cho gia đình yêu quý…
Ăn miếng bánh thơm mùi lúa mới, nghe khói bếp vương nồng trên tóc, quệt giọt mồ hôi vội vàng tươm nơi trán khi đón miếng ngon nóng hổi từ tay bà lão…, bỗng bồi hồi nhớ mẹ! Nhớ da diết những mùa mưa lũ, gió lạnh ùa khắp chốn, cả cánh đồng mênh mông nước bạc, mẹ dấu nỗi lo thiếu ăn, nhà dột bằng lễ hội bánh xèo để con cái được vui mà quên đi cái khó. Lòng mẹ bao la, tháng năm qua, mẹ giờ đã là mây khói…
Bây giờ, nhiều người đến quán bà Năm có lẽ chỉ cốt để được gặp lại chút ký ức làng quê mà bao năm đã bị cuộc sống thị thành làm cho phai nhạt. Đến, để được nghe mùi khói bếp ấm nồng thân thuộc, để được ngắm vệt muội than đen sì trên vách, để được đắm mình trong gian bếp ngập tràn sự ân cần của mẹ như hồi còn thơ trẻ. Đến, để được ăn lại miếng bánh thơm thảo của mẹ quê xưa. Và khóc…
PHƯƠNG LAN