10 sự kiện nổi bật 2021
1. Bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026
Tại Bình Định, tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu đạt 99,83%. Một số địa phương có tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 100% (TX An Nhơn, huyện Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Lão), đạt 99,99% (TX Hoài Nhơn, huyện Phù Cát). Cử tri toàn tỉnh đã bầu đủ 7 đại biểu trong số 13 người ứng cử ĐBQH khóa XV tại 3 đơn vị bầu cử; bầu đủ 57 đại biểu trong số 95 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh tại 19 đơn vị bầu cử; bầu 362 đại biểu trong số 609 người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện tại 110 đơn vị bầu cử; bầu 3.726 đại biểu trong số 6.304 người ứng cử đại biểu HĐND cấp xã nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại 1.162 đơn vị bầu cử.
Cuộc bầu cử lần này rất đặc biệt, diễn ra trong khó khăn, thử thách, cùng lúc vừa phải tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật, vừa phải bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân. Đây cũng là cuộc bầu cử được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, chủ động, chuyên nghiệp, sáng tạo, với tinh thần trách nhiệm rất cao, nắm bắt nhanh nhạy, xử lý kịp thời, linh hoạt, đúng pháp luật mọi tình huống phát sinh. Cuộc bầu cử đã phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong từng bước triển khai công tác bầu cử.
2. Toàn tỉnh tập trung phòng, chống dịch Covid-19
Từ cuối tháng 6.2021, Bình Định lần đầu tiên ghi nhận ca mắc Covid-19, toàn tỉnh đã triển khai các biện pháp để khống chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân. Tháng 10.2021, toàn tỉnh bước vào giai đoạn mới - thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Giai đoạn này, toàn tỉnh ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng vọt, lên đến 360 ca/ngày. Toàn tỉnh tiếp tục các biện pháp phòng, chống dịch như tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên và người từ 12 - 17 tuổi; khống chế nhanh các ổ dịch, thực hiện cách ly F1; chăm sóc, điều trị F0 tại nhà; mở rộng các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19… Tùy theo diễn biến dịch bệnh, tỉnh sẽ điều chỉnh các hoạt động phòng, chống dịch cho phù hợp, mục tiêu chính là hạn chế số trường hợp mắc bệnh, giảm thấp nhất số ca tử vong.
Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho người dân TX Hoài Nhơn. Ảnh: Hoài Nhơn News
3. Sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW
Năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Qua 5 năm thực hiện, kết quả lớn nhất là đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về học tập và làm theo Bác. Nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong học tập và làm theo Bác đã đem lại hiệu quả thiết thực. Hầu hết cán bộ, đảng viên đã nêu cao ý thức tự giác, gương mẫu trong phấn đấu học tập, công tác và rèn luyện phẩm chất đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Tinh thần trách nhiệm đối với công việc, đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng được phát huy, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH và xây dựng hệ thống chính trị ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
4. Tổng thu ngân sách năm 2021 của tỉnh ước đạt 13.676,9 tỷ đồng, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước
Trong bối cảnh dịch dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng chung đến nền kinh tế, nhưng tổng thu ngân sách năm 2021 của tỉnh ước đạt 13.676,9 tỷ đồng, vượt 29,5% dự toán năm và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, đảm bảo chi cho đầu tư phát triển, an sinh xã hội và phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Kim ngạch xuất khẩu Bình Định năm 2021 đạt 1.332,6 triệu USD, đạt 115,9% kế hoạch năm, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó: Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu dự kiến tăng so với cùng kỳ năm 2020 như: Gạo ước đạt 62,8 triệu USD, tăng 35,9%; sản phẩm gỗ ước đạt 471,6 triệu USD, tăng 33,9%; sản phẩm từ chất dẻo ước đạt 205,1 triệu USD, tăng 61,3%; hàng thủy sản ước đạt 101,2 triệu USD, tăng 49,4 %; giày dép các loại ước đạt 6,2 triệu USD, tăng 24,8%.
5. Đẩy mạnh đầu tư các dự án giao thông trọng điểm, mang tính kết nối, hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh
Dự án Đường ven biển (ĐT 639) dự kiến thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào ngày 31.12.2021. Đây là dự án giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Định, sau khi hoàn thành trở thành tuyến giao thông kết nối các địa phương ven biển, tạo thuận lợi trong lưu thông, giao thương và phát triển kinh tế. Cùng với đó, UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư 5 dự án giao thông trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Xây dựng tuyến đường ven biển (ĐT 639) đoạn từ QL1D tới QL 19 mới - dài 4,3 km; Tuyến đường kết nối từ trung tâm TX An Nhơn đến Đường ven biển phía Tây đầm Thị Nại - dài 9,4 km; Tuyến đường kết nối với tuyến ĐT 639 trên địa bàn TX Hoài Nhơn - dài 7 km; Tuyến đường kết nối từ đường phía Tây tỉnh (ĐT 638) đến ĐT 639 trên địa bàn huyện Phù Mỹ - dài 19,20 km; Xây dựng tuyến đường tránh phía Nam thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) - dài 18 km; tổng vốn đầu tư dự kiến 4.452 tỷ đồng. Dự kiến khởi công trong quý I/2022.
6. Nhiều hoạt động liên quan đến Chuyển đổi số
Nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ về chuyển đổi số đã được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, ngày 20.9.2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về Chuyển đổi số tỉnh Bình Định đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đã xác định tập trung triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số dựa trên ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, các lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số gồm: Giáo dục, y tế, quản lý hành chính, du lịch, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, phát triển kinh tế biển, giao thông vận tải và logistics.
Lãnh đạo UBND tỉnh, Công ty CP FPT và các đơn vị thực hiện nghi thức khánh thành Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh. Ảnh: HỒNG HÀ
Tháng 9.2021, UBND tỉnh phê duyệt Đề án thành lập Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định diện tích 54 ha tại KV 2, phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. Đề án là quyết tâm của tỉnh trong việc tạo dựng hạ tầng cho ứng dụng và thúc đẩy phát triển CNTT. Thời gian tới, tỉnh sẽ triển khai các thủ tục liên quan để gia nhập Chuỗi Công viên phần mềm Quang Trung, tạo điều kiện cho các DN hoạt động trong Khu Công viên phần mềm Quang Trung - Bình Định được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định.
Sau gần một năm chuẩn bị, ngày 16.11, UBND tỉnh chính thức khai trương Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh do Tập đoàn FPT phối hợp đầu tư và triển khai, gồm 5 dịch vụ cơ bản và 3 dịch vụ mở rộng. Trung tâm là nền tảng quan trọng trong tầm nhìn phát triển nói chung và kế hoạch triển khai thí điểm dịch vụ đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.
Sự ra đời của Trung tâm giúp chính quyền giám sát, điều hành tập trung các lĩnh vực thông qua một nền tảng công nghệ chung duy nhất. Đồng thời, tạo ra kênh tương tác linh hoạt giữa các cơ quan Nhà nước, giữa chính quyền và người dân, DN và tổ chức nhằm phục vụ, lắng nghe phản hồi của người dân để xử lý, điều chỉnh kịp thời đáp ứng nhu cầu của người dân và xã hội.
7. Kỷ niệm 190 năm Danh xưng An Nhơn, 10 năm thành lập TX An Nhơn
Ngày 31.12.2021, TX An Nhơn tổ chức Lễ kỷ niệm 190 năm Danh xưng An Nhơn (1832 - 2022), 10 năm thành lập TX An Nhơn (2011 - 2021). Đây là sự kiện chính trị quan trọng, là dấu mốc khẳng định những thành tựu toàn diện trong xây dựng và phát triển đô thị của TX An Nhơn sau 10 năm được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Đồng thời, ghi nhận những kết quả có được từ bao nỗ lực của toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân thị xã. Sau khi được công nhận là đô thị loại III, TX An Nhơn sẽ nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách với quyết tâm chính trị cao để hoàn thành mục tiêu sớm trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TX An Nhơn lần thứ XXIV và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.
8. “Võ cổ truyền Bình Định” trên đường trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Đầu tháng 12.2021, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo Sở VH&TT chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch lập hồ sơ khoa học “Võ cổ truyền Bình Định” để đệ trình UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo Văn bản 7611/VPCP- KGVX ngày 20.10.2021 của Văn phòng Chính phủ gửi Bộ VH-TT&DL về việc truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể “Võ cổ truyền Bình Định” trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Đại võ sư quốc tế Phi Long Vịnh biểu diễn quyền tại Đêm võ đài Bình Định. Ảnh: L.C
Năm 2012, Bộ VH-TT&DL đã ghi danh võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Toàn tỉnh hiện có hàng nghìn nghệ nhân đang nắm giữ di sản võ cổ truyền Bình Định, đang thực hành và truyền dạy tại 177 võ đường, CLB võ cổ truyền trong tỉnh. Trong đó, có 4 nghệ nhân ưu tú, 2 đại võ sư quốc tế, 26 đại võ sư quốc gia, 12 võ sư cao cấp, 73 võ sư, 57 chuẩn võ sư, 415 huấn luyện viên. Không những thực hành, truyền dạy trong nước, võ cổ truyền Bình Định cũng đã lan tỏa truyền dạy ở nhiều nước trên thế giới.
9. Công trình tổ hợp lai các giống gà nội Minh Dư đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh
Theo thông tin từ Bộ KH&CN, Công trình nghiên cứu khảo nghiệm, lai tạo, chọn giống “3 tổ hợp lai các giống gà nội Minh Dư Bình Định (MD1.BĐ; MD2.BĐ; MD3.BĐ)” của ông Lê Văn Dư, Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Minh Dư, ở xã Phước Nghĩa, huyện Tuy Phước đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Các giống gà ta MD1.BĐ; MD2.BĐ; MD3.BĐ là giống gà nội mới hoàn toàn, được lai tạo lần đầu tiên ở trong nước, với những đặc điểm vượt trội cả về ngoại hình, năng suất và chất lượng thịt, được người chăn nuôi trong cả nước ưa chuộng nhất hiện nay. Ưu điểm nổi trội của giống gà là sinh trưởng và phát triển tốt, dễ nuôi và phù hợp với nhiều phương thức chăn nuôi, điều kiện chuồng trại cũng như khí hậu các vùng miền khác nhau.
Giải thưởng Hồ Chí Minh là giải thưởng cao quý thuộc lĩnh vực KH&CN, do Đảng và Nhà nước trao tặng cho tác giả công trình có giá trị cao về KH&CN và thực tiễn. Đây là công trình đầu tiên của Bình Định đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh kể từ năm 1975.
10. VĐV Phạm Thị Hồng Lệ phá kỷ lục quốc gia, đoạt HCV nội dung 10.000 m
Tại Giải vô địch điền kinh quốc gia 2021 diễn ra tại Hà Nội tháng 12.2021, VĐV Phạm Thị Hồng Lệ (Bình Định) đã xuất sắc về đích đầu tiên ở nội dung chạy 10.000 m, lập nên kỷ lục quốc gia mới với thành tích 34 phút 1 giây 59. Kỷ lục cũ ở nội dung này do VĐV Nguyễn Thị Oanh (Bắc Giang) lập ở Giải vô địch điền kinh quốc gia 2020 (thành tích 34 phút 8 giây 54). Cũng ở giải đấu này, Phạm Thị Hồng Lệ còn đoạt HCB nội dung 5.000 m.
VĐV Phạm Thị Hồng Lệ. Ảnh: L.C
Với thành tích này, Phạm Thị Hồng Lệ là VĐV điền kinh đầu tiên của Bình Định vừa phá kỷ lục quốc gia, vừa đoạt HCV. Tại Giải vô địch điền kinh quốc gia 2020, Hồng Lệ cũng phá kỷ lục quốc gia nội dung 10.000 m, tuy nhiên cô chỉ giành được HCB do về đích sau Nguyễn Thị Oanh.
BÁO BÌNH ĐỊNH