Kỳ thú ba pho tượng Đức Ông
Bảo tàng Quang Trung hiện đang trưng bày ba pho tượng Đức Ông là bản sao và bài trí theo đúng nguyên mẫu ba pho tượng đang thờ tại chùa Bộc (tên chữ là Sùng Phúc Tự hay Thiên Phúc Tự - ở xã Khương Thượng, phường Quang Trung, quận Đống Đa, TP Hà Nội). Xoay quanh nguồn gốc ba pho tượng này cũng có khá nhiều điều kỳ thú.
Thuyết minh viên Bảo tàng Quang Trung kể về nguồn gốc ba pho tượng cho du khách. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ba pho tượng Đức Ông với hình dáng tượng to cao như người thật được tạc ngồi oai nghiêm trên bệ sơn son. Tượng ở giữa to hơn, ngồi cao hơn một bậc tạc một chân ở trong hài, một chân để trần, đầu đội mũ xung thiên, mình khoác áo hoàng bào thêu rồng ẩn trong mây, lưng thắt đai nạm ngọc. Phía dưới hai bên là hai pho tượng tạc tư thế sống động, chân ngồi vắt chữ ngũ, hai tai cùng nghiêng về một phía như lắng nghe người ở giữa nói chuyện. Bên trên ba pho tượng là bức hoành phi “Uy phong lẫm liệt”; hai bên ngai thờ là đôi câu đối: “Động lý vô trần, đại địa sơn hà lưu đống vũ/ Quang trung hóa Phật, tiểu thiên thế giới chuyển phong vân” (dịch nghĩa: Trong động sạch bụi dơ, non sông rộng lớn lưu truyền lương đống/ Giữa ánh sáng thành Phật, tiểu thiên thế giới chuyển động gió mây).
Theo các nhà nghiên cứu, dáng thế ba pho tượng Đức Ông cũng như cách bài trí thờ tự như vậy khá khác lạ, nhất là hoành phi 4 chữ “Uy phong lẫm liệt” thường chỉ xuất hiện trong các ngôi đền, đình. Phải chăng pho tượng ở giữa chính là vua Quang Trung, trong đôi câu đối có chữ “Quang trung hóa Phật” - mượn cái vỏ “trong ánh sáng” để gởi cái ý “Vua Quang Trung”. Nhưng cũng chưa thể căn cứ vào nội dung đôi câu đối mà kết luận pho tượng này là tượng vua Quang Trung, vì lẽ trong kinh Phật của Ấn Độ có vị bồ tát tên là “Quang Trung hóa Phật”.
Nguồn gốc ba pho tượng dần được hé lộ, khi tháng 4.1962, người dân Khương Thượng phát hiện phía sau bệ gỗ đặt áp sát vào tường của pho tượng Đức Ông ở giữa có ghi dòng chữ: “Bính Ngọ tạo Quang Trung tượng”. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu, đối chiếu với lạc khoản ở trên bức tượng và xác định ba bức tượng được tạc năm Bính Ngọ 1846 - năm Thiệu Trị thứ 6.
10 năm sau, các nhà nghiên cứu tiếp tục khẳng định chính ông Nguyễn Kiên - một võ tướng cai quản đội tượng binh Tây Sơn - đã trở về quê hương là làng Khương Thượng, khi đi tu ở chùa Bộc đã cho tạc tượng vua Quang Trung, cùng văn thần, võ tướng triều Tây Sơn để thờ dưới danh nghĩa tượng Đức Ông để tránh sự trả thù của triều Nguyễn. Ba pho tượng này tạc vua Quang Trung ngồi giữa, hai pho tượng còn lại là quan văn Ngô Thì Nhậm bên trái, quan võ Ngô Văn Sở bên phải. Cả ba pho tượng cho thấy quân vương đang bàn việc với cận thần rất cởi mở, không có sự cách biệt giữa vua tôi, cả ba cùng hướng về đại nghĩa vì nước, vì dân.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang, cho rằng: “Tượng Đức Ông/Quang Trung ở chùa Bộc và tượng Quan Công do Đại tư đồ Võ Văn Dũng mang từ Bắc Hà về thờ tại chùa Phước Sơn (nay ở xã Tây Phú, huyện Tây Sơn) - hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Quang Trung - có nhiều nét tương đồng khi được tạc với dáng vẻ phóng khoáng, thoải mái, chỉ khác là tượng Quan Công chân không bỏ ngoài hia như tượng Đức Ông/Quang Trung. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tượng Quang Công nói trên cũng có thể được tạc theo hình tượng vua Quang Trung để thờ dưới dạng Quan Công. Tuy nhiên, để đi đến khẳng định cần phải có thời gian và được nhiều nhà nghiên cứu khảo sát, thẩm định”.
ĐOAN NGỌC