Nơi “dòng sông chữ Việt” không ngừng chảy
Tiến trình hình thành chữ Quốc ngữ ở Việt Nam từ khi khởi thảo đến khi hoàn tất khoảng hai thế kỷ. Dựa vào những tư liệu hiện có, người ta đã chia ra làm bốn thời kỳ: Thời kỳ phôi thai, thời kỳ hình thành, thời kỳ phát triển và thời kỳ hoàn tất. Bình Ðịnh, vinh dự là vùng đất phôi thai, sáng tạo chữ Quốc ngữ (thế kỷ XVII), truyền bá, phát triển chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ (thế kỷ XIX-XX), và cũng là nơi “dòng sông chữ Việt” không ngừng chảy.
Chữ Quốc ngữ do các giáo sĩ dòng Tên - một dòng tu thuộc Giáo hội Công giáo Roma - sáng tạo, thâm nhập vào cuộc sống, xã hội như một đột phá, một cách mạng về chữ viết, được hoàn thiện dần và trở thành chữ Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ có tác động toàn diện đến sự phát triển của văn hóa Việt Nam và sự lớn mạnh này do chính người Việt tạo nên.
Nước Mặn - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ
Xét về phương diện lịch sử chữ Quốc ngữ, thời điểm quan trọng nhất phải là khi thiết lập cư sở Nước Mặn, thuộc phủ Qui Nhơn (ngày nay thuộc xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) vào năm 1618.
Những bản dịch các văn bản Ki-tô giáo đầu tiên ra tiếng Việt có từ năm 1618 tại cư sở Nước Mặn. Tại đây, linh mục Bề Trên Buzomi cùng Pina và Borri nhờ đến sự giúp đỡ rất hữu hiệu của một văn nhân Việt Nam trẻ tuổi uyên bác về chữ Hán có tên rửa tội là Phê-rô. Bản phúc trình của cư sở ghi: “Người ấy (một nhân sĩ thân quen với đoàn truyền giáo) có một người con trai mười sáu tuổi, là thanh niên lanh lợi và thông minh nhất trong vùng; anh này lại viết chữ Hán rất đẹp, được dân chúng hâm mộ vô cùng… Anh tên thánh rửa tội là Phê-rô, nhờ có tài hay chữ nên giúp linh mục rất nhiều trong việc dịch kinh Pater noster, Ave Maria, Credo và Mười Điều Răn ra tiếng địa phương…”.
Tiểu chủng viện Làng Sông, nơi đặt Nhà in Làng Sông. Ảnh: THANH QUANG
Trong bức thư đề ngày 17.12.1621 Gaspar Luiz chép: “Cuốn giáo lý mà người ta đã biên soạn bằng tiếng Đàng Trong, giúp ích rất nhiều, vì không những trẻ em học thuộc lòng sách đó, mà người lớn cũng học…”. Theo linh mục Léopold Cadière, quyển sách giáo lý nầy được sáng tác bằng ngôn ngữ Đàng Trong [chữ Nôm]... Ban đầu tiếng Việt được phiên âm bằng mẫu tự châu Âu để cho các thừa sai tiện dùng kèm với chữ Nôm người Việt sử dụng, dần dần bản phiên âm tiếng Việt bằng mẫu tự châu Âu trở thành hình thái đầu tiên ghi âm Latin hóa ngôn ngữ Việt Nam, một hình thái chữ Quốc ngữ ”tiền Đắc Lộ”. Chúng ta có được một số chứng từ về những hình thái đầu tiên của việc Latin hóa trong Bản tường trình của linh mục Borri. Chữ Quốc ngữ đã được phôi thai như vậy.
Nơi “dòng sông chữ Việt“ cuộn trào
Nhà in Làng Sông (Qui Nhơn) của giáo phận Đông Đàng Trong là 1 trong 3 nhà in sách Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam, 2 nhà in còn lại là Nhà in Nhà Chung (Sài Gòn) của giáo phận Tây Đàng Trong và Nhà in Kẻ Vĩnh (Hà Nội) của giáo phận Tây Đàng Ngoài.
Một trang Mémorial thống kê sách đã in của nhà in Làng Sông năm 1910 cho biết năm đó họ đã in 36 đầu sách, trong đó 25 đầu sách chữ Quốc ngữ, 11 đầu sách còn lại là tiếng Pháp. Các loại sách được in chia thành 4 nhóm: Sách trường học, sách giáo lý, sách cầu nguyện - đạo đức và các sách khác. Sách trường học được xếp mục đầu tiên với những loại sách như: Phép đánh vần (tái bản lần thứ 5), Con nít học nói (tái bản lần thứ 3), Ấu học (tái bản lần thứ 3), Trung học, Địa dư Sơ lược. Bản kê cũng ghi rõ giá tiền từng đầu sách.
Biểu tượng Nguồn cội - nơi phôi thai chữ Quốc ngữ ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước - nơi đây ghi danh 3 linh mục Dòng Tên: Francesco Buzomi (người Ý), Christoforo Borri (Ý), Francisco de Pina (Bồ Đào Nha) và tu huynh António Dias (Bồ Đào Nha) những người có công lớn trong sáng tạo chữ Quốc ngữ thời kỳ phôi thai. Ảnh: THANH QUANG
Đáng chú ý, nhà in Làng Sông đã in nhiều loại sách của các cây bút Quốc ngữ nổi tiếng ở Nam Bộ lúc bấy giờ như: Chuyện đời xưa (tái bản lần thứ 2) của Trương Vĩnh Ký; Chuyện giải buồn (2 tập) của Pierre Lục; 30 đầu sách của Lê Văn Đức gồm nhiều thể loại: Tây hành lược Ký, Đi bắt ăn cướp (tuồng), Tìm của báu (tiểu thuyết), Chúa Hài Nhi ở thành Nadarét (kịch), Du lịch Xiêm…
Như vậy có thể thấy Nhà in Làng Sông đã có đóng góp rất đáng kể trong việc phát triển, truyền bá chữ Quốc ngữ và văn học Quốc ngữ nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX.
Hệ thống Trường Quốc ngữ Đông Đàng Trong
Giai đoạn 1924-1945, hầu hết tại các tỉnh chỉ ở tỉnh lỵ và vài huyện lớn có trường tiểu học; một số tỉnh lớn có trường sơ học hay tiểu học dành riêng cho nữ sinh. Trung bình, mỗi tỉnh có từ 2 - 4 trường tiểu học, mỗi trường có từ 100 đến vài trăm học sinh. Các thành phố lớn mới có trường cao đẳng tiểu học, như: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Lạng Sơn; Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Qui Nhơn; Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ.
Ở Trung kỳ 3 trường công lập đầu tiên gọi là trường Collège. Trước năm 1920, Qui Nhơn có trường Pháp - Việt (Ecole Franco Annamite) từ lớp 5 (Cours enfantin) trở lên. Niên khóa 1921-1922, mở thêm lớp Đệ nhất niên (Cour Première année) và bắt đầu có hệ cao đẳng tiểu học (Primaire supérieur). Sau đó, lấy tên trường là Collège de Qui Nhơn, có 10 lớp cho 10 cấp học, dạy bằng tiếng Pháp, trừ môn Hán văn và Quốc văn. Trường Collège de Qui Nhơn thu nhận học trò của 9 tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên. Số thí sinh dự thi vào lớp Đệ nhất niên có đến hơn 1.000 người, nhưng trúng tuyển chỉ 50 thí sinh, trong đó có 5 thí sinh người dân tộc thiểu số.
Cùng với nền giáo dục Quốc ngữ, một hệ trí thức mới được sản sinh, góp phần đáng kể vào sự nghiệp chấn hưng văn hóa dân tộc. Kể từ sau năm 1945, chữ Quốc ngữ đã trở nên không thể thay thế trong công cuộc truyền bá, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Cách mạng Tháng Tám thành công đã đưa lại địa vị ngôn ngữ chính thức của Quốc gia cho tiếng Việt - chữ Quốc ngữ. Từ đó, tiếng Việt đã phát triển nhanh chóng, toàn diện, có ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các ngôn ngữ thiểu số ở Việt Nam.
Ngày nay khi hình dung sự hình thành của “dòng sông chữ Việt” có thể thấy Bình Định giữ vị trí ngọn nguồn khởi thủy và liên tục giữ vai trò tích cực trong dòng sông này.
NGUYỄN THANH QUANG