Kỷ niệm 190 năm Danh xưng An Nhơn (1832 - 2022), 10 năm thành lập TX An Nhơn (2011 - 2021)
An Nhơn vững bước đi lên từ mạch nguồn truyền thống
Danh xưng An Nhơn chứa đựng bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa. Từ mạch nguồn truyền thống, An Nhơn đã vươn mình mạnh mẽ trên hành trình công nghiệp hóa - đô thị hóa để tiến đến mục tiêu: Trở thành thành phố vào năm 2025.
Rạng danh Đất và Người
Từ hàng trăm năm trước, An Nhơn đã được định danh cho vùng đất lịch sử giàu di sản và truyền thống văn hóa ở phía Nam tỉnh Bình Định. Nơi đây đã từng ghi dấu chân của những bậc tiền nhân đi mở đất, gìn giữ bờ cõi phía Nam của nước Việt với bao chiến công oai hùng rạng danh sử sách. An Nhơn xưa từng là đất kinh đô triều đại Vijaya của Vương quốc Chămpa từ năm 983 đến năm 1471, là đế đô của Vương triều Thái Đức - Nguyễn Nhạc nhà Tây Sơn từ năm 1776 đến năm 1793.
TX An Nhơn về đêm. Ảnh: DŨNG NHÂN
Kế tục sự nghiệp ổn định và phát triển đất nước của các bậc tiền nhân, năm 1802, Vua Gia Long đổi tên Thành Hoàng Đế thành Thành Bình Định, An Nhơn trở thành trung tâm cai trị của triều Nguyễn tại Bình Định cho đến những năm đầu thế kỷ XIX. Năm 1832, vua Minh Mạng lập Phủ An Nhơn gồm huyện Tuy Phước và Tuy Viễn. Phủ lỵ An Nhơn đặt tại làng Hòa Cư (Nhơn Hưng), đến năm 1852 dời về Mỹ Thạnh (Nhơn Phúc) và năm 1939 di chuyển Phủ lỵ An Nhơn về phường Bình Định, TX An Nhơn ngày nay.
“Rất hiếm mảnh đất 2 lần được chọn là kinh đô như An Nhơn. Giá trị truyền thống, các di tích lịch sử - văn hóa, nhất là Thành Hoàng Đế cần được bảo tồn và phát huy tốt để tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch, để du lịch sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của thị xã. Trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2025 là mục tiêu rất lớn, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của các cấp, các ngành và toàn dân; trong đó có việc rất quan trọng là duy trì, tăng các nguồn thu để chi cho đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở kết cấu hạ tầng trong những năm tiếp theo”.
Chủ tịch UBND tỉnh NGUYỄN PHI LONG
Danh xưng An Nhơn là chỉ dấu cho vùng đất thiêng liêng, là đất võ, đất học, là nơi bao anh tài của đất nước hội tụ với khát vọng lập thân, lập nghiệp. Từ Nghệ An, thầy Trương Văn Hiến vào An Thái (Nhơn Phúc). Không chỉ là ân sư truyền thụ võ nghệ, rèn đức luyện tài, hun đúc ý chí khởi nghĩa cứu dân giúp nước cho ba anh em nhà Tây Sơn thời trẻ tuổi, thầy giáo Hiến còn là vị quân sư tài ba cho nghĩa quân Tây Sơn trong những ngày đầu khởi nghĩa.
Đất An Nhơn còn lưu danh những bậc khoa bảng tài hoa thi đỗ từ Trường Thi Bình Định, được tuyên dương ở Văn Miếu Bình Định, suốt đời làm quan thanh liêm, yêu nước, thương dân. Khí thiêng sông núi của An Nhơn hàng trăm năm qua hun đúc và hình thành nên nhân cách sống của con người An Nhơn đầy nghĩa khí và tình nghĩa. An Nhơn còn là vùng đất văn chương, nghệ thuật, nơi tụ họp của các nhà thơ lớn của phong trào Thơ Mới từ những năm 30 của thế kỷ XX với nhóm “Bàn Thành tứ hữu”.
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng của vùng đất Kinh xưa, Chi bộ Hồng Lĩnh ra đời năm 1936, là 1 trong 3 chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Bình Định, tiền thân của Đảng bộ An Nhơn, Tây Sơn và Phù Cát. Dưới ngọn cờ vẻ vang của Đảng, Đảng bộ và nhân dân An Nhơn hăng hái tham gia cách mạng, kiên trung bất khuất, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, góp phần cùng với nhân dân cả tỉnh và cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Sức bật của “một đô thị trẻ”
Với những kết quả phát triển toàn diện về KT-XH từ sau ngày giải phóng, nhất là về xây dựng đô thị, ngày 28.11.2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 101/NQ-CP về thành lập TX An Nhơn và các phường trực thuộc.
Bộ mặt đô thị An Nhơn ngày càng khang trang, sáng rỡ. Ảnh: TÔ HỒNG PHƯƠNG
Sau 10 năm “lên thị”, An Nhơn càng phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò của một trung tâm kinh tế, văn hóa phía Nam tỉnh, là đô thị vệ tinh của TP Quy Nhơn. Giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt trên 17,28%/năm. Tỷ trọng các ngành trong cơ cấu kinh tế ngày càng chuyển dịch hợp lý hơn, tiến bộ hơn, ngành công nghiệp xây - dựng chiếm 65,6%, thương mại - dịch vụ 21,4%, nông lâm nghiệp chỉ còn 13%. Thu chi ngân sách trên địa bàn thị xã được cân đối hợp lý hơn, đảm bảo nguồn tài chính cho đầu tư phát triển ổn định. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 56 triệu đồng, gấp 1,7 lần so với thu nhập bình quân chung cả nước.
Đáng chú ý, TX An Nhơn ngày càng được mở rộng về không gian đô thị, kiến trúc cảnh quan đô thị và hạ tầng cơ sở kỹ thuật đô thị được tăng cường đầu tư, phố phường ngày càng khang trang hơn, sạch đẹp hơn.
Sinh ra và lớn lên ở An Nhơn, cả đời làm việc và gắn bó với mảnh đất này, ông Trần Duy Đức (hiện ở phường Bình Định) vô cùng tự hào trước sự thay da đổi thịt của quê hương. Ông hay đi dạo quanh thị xã, tự mình thăm thú những con đường mới. Ông bảo, ấn tượng nhất là tuyến QL 19B đi qua phía Bắc thị xã, nối kết cả hai đầu Đông - Tây của tỉnh.
“QL 19B được đầu tư gắn với cải tạo, nắn tuyến, mở rộng các tuyến đường ngang dọc, không gian như được mở rộng, đường đi được rút ngắn và an toàn. Con đường đã thành hình, mà thong dong đi dạo vẫn ngỡ như đang mơ”, ông Đức tâm sự.
Với những kết quả toàn diện trong xây dựng và phát triển đô thị, ngày 2.3.2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã có Quyết định số 219/QĐ-BXD công nhận TX An Nhơn là đô thị loại III trực thuộc tỉnh Bình Định.
Bí thư Thị ủy An Nhơn Đặng Vĩnh Sơn chia sẻ rằng, kết quả 10 năm xây dựng và phát triển của TX An Nhơn là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của toàn Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân. Kết quả đã đạt được là nền tảng, là động lực để thị xã tiếp tục đi lên, từng bước vững chắc.
Từ thị lên thành
Và, mục tiêu phấn đấu cao nhất là đến năm 2025, TX An Nhơn quyết tâm nâng cao kết quả đạt các tiêu chí của tiêu chuẩn đô thị loại III để khi thị xã trở thành thành phố trực thuộc tỉnh có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, an ninh quốc phòng được đảm bảo, đô thị An Nhơn ngày càng văn minh và giàu đẹp. “Đặc biệt là thu nhập bình quân, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Đó mới là cái đích cuối cùng của quá trình phát triển”, Chủ tịch UBND TX An Nhơn Lê Thanh Tùng khẳng định.
Thu nhập bình quân, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao là cái đích cuối cùng của quá trình phát triển.
- Trong ảnh: Công nhân Công ty CP May An Nhơn. Ảnh: TÔ HỒNG PHƯƠNG
Theo ông Tùng, để đạt được mục tiêu “lên thành” vào năm 2025, quan trọng nhất là tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và chỉnh trang đô thị theo hướng văn minh và ngày càng hiện đại. Hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng trong kế hoạch giai đoạn 2020 - 2025 để sớm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của thị xã; bảo đảm đến cuối năm 2024, các xã Nhơn Phúc, Nhơn Thọ, Nhơn An, Nhơn Lộc, Nhơn Phong và Nhơn Hậu đủ điều kiện, tiêu chuẩn thành phường.
Đồng thời, tập trung phát triển toàn diện về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, mở rộng hoạt động thương mại - dịch vụ, duy trì nâng cao tốc độ tăng trưởng của các ngành kinh tế, giữ vững chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm địa phương. Duy trì và nâng cao lợi thế của nông nghiệp, tập trung xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cao, phấn đấu hoàn thành trước năm 2024.
Mặt khác, cần tăng cường cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền đô thị từ thị xã đến cơ sở trong sạch vững mạnh toàn diện. Từng bước thực hiện chuyển đổi số có hiệu quả và thực chất trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa và xã hội, xây dựng chính quyền số với trọng tâm là xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh…
MAI LÂM