Ngành Y tế và công cuộc phòng, chống Covid-19: Nỗ lực vượt bậc vì sức khỏe toàn dân
Hai năm qua và đặc biệt trong 6 tháng cao điểm ròng rã trực tiếp đương đầu với dịch Covid-19 trong năm 2021, với lời thề Hippocrates, đội ngũ y tế Bình Ðịnh miệt mài ngày đêm phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho toàn dân.
Một khoảng nhìn lại
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta đã gây ra nhiều biến động về mọi mặt trên phạm vi toàn quốc. Những ngày đầu tháng 6, Bình Định nhiều lần “cân não” để đưa ra cách phòng, chống dịch khi dịch bệnh bùng phát ở các tỉnh lân cận và gần như toàn miền Nam. Và đến cuối tháng 6, Bình Định ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên và thời gian này, ngành Y tế toàn tỉnh chính thức bước vào giai đoạn “căng lên mọi giác quan” để phòng, chống dịch.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long thăm hỏi, động viên nhân viên y tế đang thực hiện công tác tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19. Ảnh: T. KHUY
Nghĩ về thời gian qua, “tư lệnh” ngành Y tế của tỉnh - ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, chia sẻ: Phải nói năm vừa qua, trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, ấn tượng nhất công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh. Theo từng giai đoạn, tình hình cụ thể, công tác chỉ đạo rất đồng bộ, sâu sát, kiên quyết. Đồng thời, chúng ta đã huy động được lực lượng quân và dân chung tay tham gia vào công tác phòng, chống dịch và đã tạo được sự đồng thuận cho người dân. Đặc biệt, chúng ta đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch rất linh hoạt tùy theo tình huống cụ thể. Do vậy, mặc dù rất khó khăn, vất vả nhưng tình hình dịch bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Nói về những khó khăn, không ai không nghĩ về giai đoạn theo đuổi “Zero Covid”. Với giai đoạn này, dù tỉnh ta còn ít ca bệnh nhưng công tác triển khai rất quyết liệt, đòi hỏi toàn ngành phải huy động lực lượng để tìm ra F0 và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Sau khi chuyển sang giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, đây cũng là giai đoạn rất khó khăn. Không dốc toàn lực bóc tách F0 như trước nhưng ở giai đoạn mở cửa, số lượng F0 liên tục tăng nhanh với số lượng ngày càng nhiều, ngành Y tế phải huy động toàn hệ thống đối mặt với công tác điều trị và quản lý F0. Đặc biệt ở BVĐK tỉnh, hằng ngày phải điều trị các ca bệnh nặng, đây là áp lực rất lớn.
Dẫu biết Tết là lúc quây quần bên gia đình, nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả nhưng dịch bệnh ngày phức tạp, chúng tôi xác định năm này phải vất vả hơn nhiều. Tôi mong các y, bác sĩ, đội ngũ nhân viên y tế lấy hạnh phúc người dân làm hạnh phúc của mình và nỗ lực hết sức. Đó cũng là niềm tự hào vì trong lúc này người dân cần chúng ta hơn hết.
Giám đốc Sở Y tế, LÊ QUANG HÙNG
Nhìn lại năm vừa qua và những kết quả phòng, chống dịch mà toàn tỉnh, đặc biệt là ngành Y tế mang lại thật sự rất đáng ghi nhận. Suốt thời gian dài, đội ngũ nhân viên y tế, CA, quân đội, thanh niên tình nguyện… phơi nắng dầm mưa trực canh ở các chốt kiểm tra y tế. Sau khi dỡ bỏ các chốt kiểm tra, đội ngũ nhân viên y tế tiếp tục đầu quân cho các trạm y tế lưu động để chăm sóc, điều trị F0 tại nhà.
Chị Lê Thị Thanh Thúy, nhân viên ở Trạm Y tế lưu động phường Trần Hưng Đạo kể, khi dịch mới bùng phát, tôi được phân công trực tại chốt kiểm tra y tế tại QL 1D của TP Quy Nhơn, sau đó tôi được điều động về làm việc tại trạm y tế lưu động. Dẫu phải làm việc trong thời gian dài và vất vả nhưng dịch bệnh còn chúng tôi vẫn phải tiếp tục cố gắng.
Tự hào vì đã góp phần trong việc chăm sóc và bảo vệ người dân trên địa bàn tỉnh, ông Lê Quang Hùng, chia sẻ thêm: Từ nhân viên y tế thôn, làng cho đến nhân viên y tế cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, tất cả toàn tâm, toàn ý cố gắng trong công tác phòng, chống dịch cũng như khám chữa bệnh thông thường. Có thể nói trong thời gian phòng, chống dịch, ngành Y tế vừa chữa cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 và vẫn đảm bảo khám chữa bệnh thông thường cho người dân và chưa có bệnh viện nào vì dịch mà phải đóng cửa cả.
Tiếp tục bước tiếp
Hiện nay, trong công tác phòng, chống dịch, ngành Y tế đã chủ động chuẩn bị và triển khai khá tốt công tác quản lý, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để giảm áp lực cho ngành Y tế, tiếp tục kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Không chỉ ngành Y tế, người dân và các địa phương cũng rất ủng hộ vấn đề này.
Nhân viên ngành Y tế miệt mài thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch. Ảnh: T. KHUY
Nói về điều trị F0 tại nhà không thể không nhắc đến TX An Nhơn, đây là địa phương đầu tiên xung phong xin phép thí điểm điều trị F0 tại nhà. Bác sĩ CKII Lê Thái Bình, Giám đốc TTYT TX An Nhơn, chia sẻ: Chúng ta bước vào giai đoạn thích ứng an toàn, số ca mắc nhiều hơn, nếu không chủ động sau này sẽ rất khó khăn. Thực tế cho thấy, sau khi chúng tôi thí điểm, người dân rất ủng hộ và họ cảm thấy thoải mái, yên tâm khi được điều trị tại nhà. Hiện nay, tại TTYT, chúng tôi chỉ điều trị khoảng 100 - 120 F0, các F0 còn lại sẽ được sàng lọc để chăm sóc, điều trị tại nhà.
Ảnh: T. KHUY
Hiện nay mỗi ngày toàn tỉnh có khoảng 300 - 400 ca mắc Covid-19, có những ngày Bình Định đứng thứ 4 cả nước về số ca mắc Covid-19. Điều này tạo nên áp lực rất lớn với toàn hệ thống y tế. Ngành Y tế và các địa phương cố gắng nâng cao tỷ lệ chăm sóc điều trị F0 tại nhà từ 80 - 85% vì tỷ lệ ca bệnh nặng của toàn tỉnh không cao. Do vậy mục tiêu là cố gắng để số bệnh nhân phải điều trị tại các cơ sở y tế thật sự là số cần thiết.
Dù vậy, theo nhận định của ngành Y tế, trong thời gian tới, nếu không kiểm soát được dịch bệnh thì ngành Y tế sẽ rất khó khăn. Dù cố gắng triển khai chăm sóc, điều trị F0 tại nhà đạt mức 80 - 85% thì ở số ca mắc cao cũng làm ảnh hưởng rất nhiều đến nhân lực, trang thiết bị và đặc biệt ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh thông thường. Ông Lê Quang Hùng, nhắn nhủ: Hiện nay các bệnh viện, TTYT phải thực hiện 2 nhiệm vụ cùng lúc, chúng tôi cũng rất mong muốn người dân cùng chung tay chung sức để giảm ca mắc Covid-19, như vậy cũng sẽ giảm được tỷ lệ tử vong đối với những trường hợp nguy cơ cao.
THẢO KHUY