Lưu giữ âm thanh cồng chiêng Tây Nguyên
Để bảo tồn văn hóa dân tộc, gìn giữ nét đẹp riêng của vùng đất đỏ cao nguyên, những nghệ nhân chỉnh chiêng vẫn miệt mài đi từng làng để giữ cho được những âm thanh đặc trưng của rừng núi.
Sau hàng chục năm sử dụng, những chiếc cồng, chiêng tại Tây Nguyên đã có phần hao mòn, hư cũ, chất lượng âm thanh không còn được trong trẻo như xưa. Tại nhiều buôn làng, một số nghệ nhân vì yêu quý, trân trọng văn hóa cộng đồng vẫn miệt mài đi từng nơi có cồng chiêng hỏng, lạc nhịp để chỉnh âm với mong mỏi lưu giữ âm thanh cồng chiêng Tây Nguyên đến những thế hệ mai sau.
Xã Ia Ka, huyện Chư Păh là khu vực có nhiều nghệ nhân chỉnh chiêng nhất tỉnh Gia Lai. Các nghệ nhân thực hiện việc chỉnh chiêng bằng cả niềm đam mê, sự nhiệt huyết của người con dân tộc Jrai bản lĩnh, kiên cường. Mỗi lần chỉnh chiêng, thường đi theo nhóm 5-10 người để sau mỗi lần chỉnh, các nghệ nhân phải đánh thử, hòa tấu xem bộ chiêng đã đúng nhịp chưa. Nếu chưa sẽ chỉnh cho đến khi âm thanh bộ cồng, chiêng hòa vào nhịp.
Các nghệ nhân chỉnh chiêng tại làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh (Gia Lai).
Bên mái nhà sàn của già làng Rơ Châm Nha, làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh (Gia Lai), ánh mắt của những nghệ nhân như Siu Bít, Rơ Châm Guk như tiếc nuối khi nhìn những chiếc cồng chiêng lạc nhịp. Vừa xoay chiêng, gõ gõ bằng những dụng cụ chuyên dụng, vừa ghé sát tai để cảm nhận âm thanh của từng chiếc chiêng để chỉnh âm thanh về đúng nhịp, thỉnh thoảng cả nhóm người hòa tấu một đoạn nhạc để kiểm tra chất lượng âm thanh chiếc cồng, chiêng vừa chỉnh đã ổn định chưa.
Theo Nghệ nhân Siu Bít, dụng cụ chỉnh cồng, chiêng khá đơn giản, chỉ cần một dùi gỗ và một chiếc búa nhỏ, tuy nhiên để chỉnh được âm cồng, chiêng thì trước tiên phải biết đánh, phải biết cảm nhận sâu sắc âm thanh của dàn cồng, chiêng. Chỉnh chiêng không được vội vàng mà phải từ từ cảm nhận âm thanh bị lỗi chỗ nào. Sau khi thẩm âm, phát hiện được chiếc chiêng nào hư sẽ để riêng ra và sửa. Có những chiếc chiêng sửa rất nhanh, chỉ hơn một giờ nhưng cũng có những chiếc chiêng khó, phải chỉnh mất nhiều ngày.
Để lưu giữ những bộ cồng, chiêng cổ có giá trị hàng chục thậm chí hàng trăm triệu đồng, những nghệ nhân rất nâng niu và trân quý chúng. Hiện những bộ chiêng này trong cộng đồng dân tộc thiểu số Tây Nguyên không còn nhiều. Do vậy, để bảo tồn văn hóa dân tộc, gìn giữ nét đẹp riêng của vùng đất đỏ cao nguyên, những nghệ nhân chỉnh chiêng vẫn miệt mài đi từng làng để giữ cho được những âm thanh đặc trưng của rừng núi.
Nghệ nhân Rơ Châm Guk chia sẻ, mỗi lần có người nhờ chỉnh chiêng, dù ở gần hay xa, những nghệ nhân làng Mrông Yố 1 cũng sắp xếp công việc để đến chỉnh giúp. Như những bác sỹ chuyên ngành, các nghệ nhân có nghề nhanh chóng "bắt mạch" rồi "chữa bệnh" cho những chiếc chiêng lạc nhịp. Những làng ở gần, người dân sẽ mang cồng, chiêng đến nhờ các nghệ nhân sửa chữa. Với những làng ở xa hàng trăm km, vì điều kiện khó khăn không di chuyển được, đoàn nghệ nhân phải đến tận nơi, ở lại vài ba ngày mới chỉnh xong bộ cồng, chiêng.
Nghệ nhân làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh (Gia Lai) chỉnh cồng, chiêng.
Trăn trở của các nghệ nhân chỉnh chiêng tại Tây Nguyên là thế hệ kế cận rất ít, vì giới trẻ hiện nay không mấy mặn mà với cồng, chiêng. Do đó, để tìm được một thanh niên học nghề, đam mê thực sự với văn hóa buôn làng cũng rất khó. Già Rơ Châm Nha, làng Mrông Yố 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh (Gia Lai) cho biết: "Phát huy vai trò người có uy tín, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền cho dân làng giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc trong gia đình cũng như trong cộng đồng. Qua những đợt tuyên truyền, vận độn, đã có một số thanh niên hiểu và đăng ký học nghề, không chỉ nghề chỉnh chiêng mà còn đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng. Đây là niềm phấn khởi của thế hệ lớn tuổi trong làng cũng như trong cộng đồng người dân tộc thiểu số của chúng tôi".
Sống với già làng Rơ Châm Nha từ nhỏ, em Rơ Châm Tứ lớn lên theo từng mùa rẫy, tiếng cồng, chiêng nuôi dưỡng tâm hồn em, hiện em đã biết đánh cồng, chiêng và chỉnh chiêng thành thạo. Năm nay, Tứ mới trong 12 tuổi nhưng đã theo chân già tham gia vào rất nhiều sự kiện văn hóa lớn, nhỏ của tỉnh cũng như quốc gia. Rơ Châm Tứ được xem như một trường hợp đặc biệt của cả làng vì niềm đam mê văn hóa dân tộc của em như một luồng sinh khí mới cho làng Mrông Yố 1, là tấm gương để thế hệ trẻ học tập, noi theo trong công tác bảo tồn văn hóa dân tộc.
Em Tứ chia sẻ: Cồng chiêng là nét văn hóa đặc sắc của người Jrai. Đồng bào Jrai không được bỏ cồng, chiêng, nếu ai bỏ cồng, chiêng là như bỏ ông bà, cha mẹ mình vậy. Em luôn mong muốn được học đánh cồng, chiêng để giữ gìn văn hóa dân tộc. Rồi em mong muốn học chỉnh chiêng để âm thanh cồng, chiêng được lưu truyền sang những thế hệ kế cận. Nhiều lần tham gia các lễ hội của xã, huyện, em được chọn vào đội nghệ nhân xã Ia Ka được đi biểu diễn nhiều nơi, được học hỏi những nghệ nhân lớn tuổi. Đi diễn có tiền bồi dưỡng, em tích cóp lại và được gia đình cho thêm, em đã mua được một bộ chiêng cho riêng mình với giá 25 triệu đồng. Những bạn cùng tuổi với em nếu ai thích học đánh chiêng em sẽ dạy lại cho các bạn.
Toàn tỉnh Gia Lai hiện đang lưu giữ khoảng 5.655 bộ cồng chiêng, có hơn 900 nghệ nhân chỉnh chiêng. Những người như em Rơ Châm Tứ được xem là "của hiếm" của làng, đây là tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng dân tộc thiểu số tại Gia Lai nói riêng cũng như Tây Nguyên nói chung vì sẽ có thế hệ kế cận tâm huyết với văn hóa truyền thống của dân tộc.
Theo Hồng Điệp (TTXVN/Tin tức)