Chế phẩm sinh học BIMETAR phòng trừ rầy nâu hiệu quả
Chế phẩm BIMETAR do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học công nghệ (KHCN) Bình Định sản xuất có thể phòng trừ được rầy nâu hiệu quả. Không những vậy, nông dân còn có thể tự sản xuất chế phẩm này.
Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất và ứng dụng chế phẩm nấm ký sinh Metarhizium sp. để quản lý rầy nâu hại lúa ở Bình Định” do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Định thực hiện từ năm 2012 đến cuối năm 2014. Ngoài sản xuất BIMETAR, Trung tâm còn tạo ra giống nấm này để cung cấp cho người sản xuất chế phẩm BIMETAR.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KHCN đã xây dựng nhiều mô hình ứng dụng chế phẩm tại nhiều địa phương trong tỉnh ở nhiều mùa vụ khác nhau. Qua thực tế các mô hình sử dụng BIMETAR cho thấy, nếu sử dụng đúng lúc rầy phát sinh thì rất có hiệu quả. Tuy vậy điều khó khăn là bà con nông dân quen dùng thuốc hóa học, rầy chết nhanh tức thời thấy được, còn sử dụng BIMETAR thì phải sau khoảng 5 - 7 ngày rầy mới bị tiêu diệt.
Ông Huỳnh Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm KHCN, cho biết: Chế phẩm sinh học BIMETAR thực chất là nấm xanh, sống ở nhiệt độ bình thường. Khi phun, nấm bám vào thân con rầy và hút hết dinh dưỡng làm rầy chết đi, nên cần khoảng thời gian sau khi phun 5 - 7 ngày mới đủ thời gian nấm ký sinh tiêu diệt rầy. Ngoài rầy nâu, nấm xanh còn tiêu diệt bọ xít, rầy lưng trắng, châu chấu, hay một số côn trùng khác.
Đi đôi với xây dựng mô hình dùng thử nghiệm, Trung tâm còn hỗ trợ 7 nông dân ở Hoài Ân, Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước sản xuất chế phẩm BIMETAR. Đây là những mô hình, hoặc điểm sản xuất BIMETAR để cung cấp trực tiếp chế phẩm này cho các huyện. Mỗi nông dân được hỗ trợ tủ cấy, ống giống nấm, đèn cồn... và được tập huấn kỹ thuật sản xuất chế phẩm. Ông Hồ Đức Phó, ở Tây An-Tây Sơn, cho biết: Sản xuất chế phẩm không khó, chỉ đòi hỏi người sản xuất thao tác khéo léo, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn. Sản phẩm làm ra, ngoài dùng cho 10 sào ruộng gia đình, tôi còn cung cấp cho một số người trong thôn sử dụng. Nếu sản xuất tại chỗ thì mỗi sào chỉ tốn 15.000 đồng/lần phun, chỉ bằng một nửa so với thuốc hóa học.
BIMETAR đã được đăng ký bản quyền nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ, trở thành sản phẩm bảo vệ thực vật do Bình Định sản xuất. Theo bà Lê Thị Kim Đào, chủ nhiệm dự án dùng chế phẩm BIMETAR, mật độ rầy nâu bắt đầu giảm từ ngày thứ 3, giảm cao nhất là ngày thứ 21 sau khi phun chế phẩm, và có tác dụng diệt trừ rầy kéo dài. BIMETAR còn có thể sử dụng trừ rầy trên các loại cây rau, quả khác mà không để lại dư lượng chất độc hại. Nếu dùng đại trà thành vùng rộng lớn thì tác dụng phòng ngừa rầy nâu sẽ đạt hiệu quả cao hơn.
HOÀNG LÂN