Thêm một tư liệu quý về triều Tây Sơn
Sau khi đại phá quân Thanh (năm 1789), Hoàng đế Quang Trung bắt tay ngay vào công việc tái thiết đất nước. Một trong những việc cấp thiết trước mắt là khôi phục sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống nhân dân. Vừa qua, Tạp chí Xưa & Nay được ông Nguyễn Quốc Vinh - nghiên cứu sinh Đại học Harvard (Hoa Kỳ) cung cấp bức ảnh chụp “Lệnh chỉ đặc biệt” ghi ngày 15 tháng 5 năm Quang Trung thứ 3 (1790), về việc hoãn, miễn tô thuế cho xã Vĩnh Hưng, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín.
Trải qua một thời kỳ khủng hoảng kéo dài, tình hình kinh tế nước ta vào cuối thế kỷ XVIII tiêu điều xơ xác. Chính sách thuế khóa, phu dịch nặng nề và bộ máy quan lại thối nát thời Lê - Nguyễn càng đẩy nhanh sự phá sản của đông đảo nông dân.
Thêm nữa, trải qua hàng thế kỷ phân liệt, nội chiến, tiếp đến phong trào nông dân rầm rộ suốt thế kỷ XVIII và kháng chiến chống ngoại xâm, ruộng đất bị bỏ hoang rất nhiều. Nông dân bị bần cùng, nhiều xóm làng trở nên hoang vắng. Sử cũ chép: “Khoảng đời Cảnh Hưng (1740 – 1786), Chiêu Thống (1778 – 1789) luôn năm mất mùa đói kém, dân gian trôi dạt lưu ly, cha con không thể nuôi nhau, anh em không thể nương nhau”. Trong một bức thư của Nguyễn Thiếp gửi vua Quang Trung cuối năm 1789 có đoạn: “Nghệ An đất xấu dân nghèo …, gặp năm mất mùa dịch tễ, kẻ thì chết đói, người thì xiêu bạt, 10 phần chỉ còn lại 5, 6 mà thôi. Nay mùa khô hạn, đồng ruộng bỏ hoang, ruộng đất rất ít”.
Sau khi đại phá quân Thanh, vua Quang Trung nhìn thấy vấn đề cấp thiết trước mắt là phải nhanh chóng giải quyết tình trạng ruộng đất bỏ hoang, tận dụng sức lao động vào sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, bước đầu phục hồi nền kinh tế tiểu nông đang bị phá hoại nghiêm trọng.
Năm 1789, vua Quang Trung ban bố “Chiếu khuyến nông”, đề ra những biện pháp tích cực để giải quyết nạn lưu vong và tình trạng ruộng đất bỏ hoang: “Ít lâu nay trong nước bị binh lửa, đinh tán điền hoang, số đinh điền so với trước kia 10 phần kém đến 4, 5 phần. Nay trong nước đã bình định, cần phải phục hồi dân phiêu tán, khai khẩn ruộng đất bỏ hoang, làm cho dân du thủ du thực trở về với ruộng đất… Xã nào ruộng hoang để quá hạn không khai khẩn, nếu là ruộng công phải chiếu theo nguyên ngạch thuế điền thu gấp đôi, nếu là ruộng tư sẽ phải tịch thu làm ruộng công, ngạch thuế cũng theo như ruộng công”.
Việc giải quyết tình trạng dân phiêu tán và thanh toán ruộng bỏ hoang là hai biện pháp chủ yếu về nông nghiệp liên quan khắng khít với nhau. Chiếu khuyến nông của vua Quang Trung đã giải quyết đúng hai yêu cầu trước mắt. Nhờ vậy, trong vòng ba bốn năm, sản xuất nông nghiệp được phục hồi nhanh chóng. Sử cũ chép: Năm 1791 “mùa màng trở lại phong đăng, năm phần mười trong nước khôi phục được cảnh thái bình”.
Ông Nguyễn Quốc Vinh, nghiên cứu sinh trường Đại học Harvard (Hoa Kỳ) có gửi cho Tạp chí Xưa & Nay bức ảnh chụp “Lệnh chỉ đặc biệt” ghi ngày 15 tháng 5 năm Quang Trung thứ 3 (1790), đóng dấu ấn có 5 chữ triện “Hoàng thái tử chi bảo” về việc miễn tô thuế 3 năm liền cho dân phiêu bạt xã Vĩnh Hưng, tổng Vĩnh Hưng, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, xứ Sơn Nam Thượng (viết bằng chữ Hán).
“Lệnh chỉ đặc biệt” được ông Huỳnh Chương Hưng - Giảng viên trường Đại học Quy Nhơn dịch nghĩa như sau: “Lệnh chỉ cho sắc mục xã trưởng cùng toàn xã xã Vĩnh Hưng Đặng, tổng Vĩnh Hưng Đặng, huyện Thanh Trì, phủ Thường Tín, xứ Sơn Nam thượng được biết. Có ruộng tất sẽ có tô, xưa nay là lẽ thường, nhưng chính sự nuôi dân trước tiên phải ở việc khẩn cấp. Nay chỉ dụ ban xuống, chiếu theo trong xã mà phân loại kê khai ruộng công tư các hạng mục cho rõ số. Thể theo đức ý của bề trên, xem là việc nhân, hợp với chỉ dụ ban xuống, phàm ruộng công ruộng tư các hạng, phải căn cứ vào sổ bộ thực canh, theo đó mà nộp thuế để cung cấp cho việc công. Những đất ruộng đã phế canh thì tạm hoãn để thư thả cái gấp của dân. Còn như những ruộng bỏ hoang, bị sụp lở, ngập nước đường sá đê điều… thì được miễn để làm sáng sự giáo hóa mới này. Những dân phiêu bạt nhất loạt được miễn, như chiêu tập trở về khai canh một số ruộng hoang, ban chiếu, xá miễn ba năm tô thóc, để hết thảy lo mở rộng đất đai cày cấy. Nếu ruộng bỏ hoang của dân phiêu bạt thì quan viên nha thự nơi đó khai canh và theo đó xâm canh, tô thuế những ruộng ấy do người canh tác chịu, chứ không phải chiếu theo lệ định. Các viên cai trưng cai lại phải theo sổ bộ mà thi hành, không được vi phạm vượt lạm. Hãy tin theo. Nay ban lệnh chỉ đặc biệt này. Ngày 15 tháng 5 năm Quang Trung thứ 3”.
Việc phát hiện “Lệnh chỉ đặc biệt” ghi ngày 15 tháng 5 năm Quang Trung thứ 3, có đóng dấu ấn “Hoàng thái tử chi bảo” cho chúng ta nhận thức rằng: ngoài việc ban bố “Chiếu khuyến nông” chung cho cho cả nước, để phù hợp với tình hình cụ thể của địa phương, triều Tây Sơn còn có “Lệnh chỉ đặc biệt” nhằm mở rộng ân điển cho từng xã khác nhau.
NGUYỄN THANH QUANG