NUÔI BÒ THỊT CHẤT LƯỢNG CAO Ở TUY PHƯỚC:
Niềm vui chưa trọn
Huyện Tuy Phước có tổng đàn bò hơn 16.000 con, riêng 2 xã Phước An và Phước Thành đã chiếm trên 7.000 con, hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 con bê giống và 1.000 con bò thịt.
Tháng 4.2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tuy Phước phối hợp với UBND xã Phước An triển khai thực hiện mô hình nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò thịt đủ điều kiện sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Bò thịt chất lượng cao Bình Định”. Mô hình nhằm chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi bò thịt, tổ chức lại sản xuất, hợp tác giữa các hộ nòng cốt trong chăn nuôi bò thịt để có phương án tiếp cận mới khi tham gia thị trường.
Mô hình do 10 hộ ở 3 thôn: An Hòa 1, An Sơn 1 và Đại Hội thực hiện với quy mô 50 con, sử dụng các giống bò: BBB (34 con), Brahman (11 con), Red Angus (5 con). Cùng với việc được hướng dẫn các kỹ thuật từ khâu chế biến thức ăn, áp dụng chế độ dinh dưỡng đến kỹ thuật chăm sóc theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của bò và cách phòng, trị một số bệnh thường gặp trên bò…, các hộ tham gia mô hình còn được huyện Tuy Phước hỗ trợ 50% chi phí mua thức ăn hỗn hợp, máy cắt băm cỏ bắp với tổng trị giá hỗ trợ là 131 triệu đồng.
Nhờ áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn, sau 8 tháng, toàn bộ đàn bò đều đáp ứng tốt các chỉ tiêu về kinh tế và kỹ thuật. Riêng về trọng lượng, 50 con bò này có trọng lượng trung bình gần 420 kg/ con; chi phí cho 1 kg thịt hơi là hơn 65.000 đồng. Ngày 17.11.2021, Sở NN&PTNT đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu “Bò thịt chất lượng cao Bình Định” cho 10 hộ nói trên.
Tuy nhiên, do trong năm 2021 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thêm vào đó là dịch bệnh trên đàn gia súc, nhất là dịch viêm da nổi cục ở bò đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người tiêu dùng, khiến nhu cầu thịt bò giảm mạnh, giá bò thịt vì thế cũng giảm từ 15 - 20%. Mặc khác, dù chợ bò Phước An đã đi vào hoạt động, HTX Chăn nuôi bò thịt chất lượng cao Phước An cũng tiếp nhận quản lý và vận hành nhưng đến nay hoạt động của chợ vẫn chưa đạt hiệu quả như kế hoạch đề ra.
Ông Trần Văn Lai (một người tham gia nuôi bò trong mô hình ở thôn An Hòa 1) chia sẻ: Gia đình tôi nuôi 10 con bò BBB, cả 10 con đều phát triển tốt nhưng tôi phải tự tìm cách tiêu thụ và việc này gặp rất nhiều khó khăn. Được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí nuôi và kỹ thuật là rất quý, nhưng bà con rất mong Nhà nước làm tốt hơn khâu tổ chức kết nối tiêu thụ, ít nhất là đến giai đoạn có mối lái quen, HTX thạo việc mua bán, môi giới, chứ như hiện nay tình thế của chúng tôi rất lơi bơi.
XUÂN VINH