Giai điệu Tổ quốc
Có lẽ chưa lúc nào, những ca khúc về biển đảo lại “lên cơn sốt”, được nghe nhiều, được hát nhiều như thời gian này. Từ phố thị đến miền quê, trên truyền hình, đài phát thanh, máy tính, đến cả điện thoại …, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp người ta mở nghe những giai điệu hướng về Biển Đông.
Những bài hát, ngay từ tựa đề cũng đã gợi lên bao tự hào và thấm đẫm yêu thương: Tổ quốc nhìn từ biển, Tiếng gọi non sông, Đây biển Việt Nam, Nơi đảo xa, Gần lắm Trường Sa ơi, Thơ tình lính biển, Chúng tôi hát giữa Trường Sa, Ra khơi mùa xuân, Bay qua Biển Đông, Mùa Xuân DK, Nụ cười Trường Sa, Biển khơi có chúng tôi, Đường trên biển, Ngôi nhà lính đảo... Người ta chủ động tìm đến những bài hát, như một cách thể hiện mối quan tâm, sự đồng cảm, nỗi lo âu, tình yêu nước, khát vọng hòa bình cùng lòng quyết tâm chung sức chung lòng bảo vệ biển đảo, bờ cõi thiêng liêng. Và không chỉ nghe, tại những chương trình ca nhạc, văn nghệ ở cơ quan, trường học, doanh nghiệp… các tiết mục gây xúc động nhất cho người xem cũng lại chính là hát những ca khúc về biển đảo hoặc múa trên nền nhạc này.
Nhiều dự án âm nhạc, album, video âm nhạc (MV) chủ đề biển đảo được xúc tiến thực hiện nhanh chóng và phát hành rộng rãi, được khán thính giả, người dân cả nước đón nhận. Đây là thời điểm nở rộ nhiều MV yêu nước. “Nóng hổi” và gây xúc động mạnh mẽ phải kể đến MV Tiến quân ca (phiên bản 2014) với sự tham gia của 1.300 người dân Việt Nam, gồm nhiều thành phần như cựu chiến binh, người cao tuổi, chiến sĩ, văn nghệ sĩ, nhà báo, thiếu nhi, học sinh, sinh viên… Hình ảnh chủ đạo xuất hiện tràn ngập trong MV là sắc cờ đỏ sao vàng tạo nên một khối đoàn kết vững chắc, là những hình ảnh thân thuộc của quê hương đất nước Việt Nam, là người dân Việt Nam với cánh tay đặt nơi trái tim mình, tự hào hát lên bài quốc ca của dân tộc. Bên cạnh những sản phẩm âm nhạc chuyên nghiệp do các nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ, ca sĩ thực hiện, còn xuất hiện những video clip âm nhạc có tính chất quần chúng nghiệp dư đang lan truyền nhanh trong cộng đồng mạng. Tiêu biểu có thể kể đến MV Tổ quốc gọi tên mình (Nhạc: Đinh Trung Cẩn - Thơ: Nguyễn Phan Quế Mai) do tập thể giảng viên và sinh viên Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế thực hiện; MV Thề giữ yên biển đảo quê hương của thầy và trò khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng… Những giọng hát có thể chưa hay, còn lạc giọng, sai nhịp, những sản phẩm âm nhạc chưa đạt đến trình độ cao về nghệ thuật song đã thật sự chạm đến sâu thẳm trái tim người nghe, cổ vũ thêm lòng yêu nước và tự hào dân tộc.
Khi chủ quyền biển đảo quê hương là chủ đề thời sự nóng bỏng mỗi ngày, sáng tác âm nhạc về biển đảo cũng trở thành đề tài có sức thôi thúc mạnh mẽ đối với nhạc sĩ. Để đáp ứng yêu cầu chính trị, phục vụ công tác tuyên truyền, những sáng tác mới ra đời còn chưa ráo mực nhanh chóng được công bố, để làm đa dạng, phong phú và sắc bén thêm “mặt trận văn hóa nghệ thuật”. Các “chiến sĩ” đi tiên phong trên mặt trận này có thể kể đến như nhạc sĩ An Thuyên với Hành khúc biển Việt Nam, nhạc sĩ Văn Thành Nho với Sóng Bạch Đằng vỗ mãi tới biển Đông, nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên với Hướng về biển Đông, nhạc sĩ Quỳnh Hợp với Tiếng biển - ca khúc phổ thơ từ bài thơ cùng tên lay động cộng đồng mạng trong những ngày qua…
Có thể nói, xuyên suốt trong lịch sử âm nhạc Việt, mảng ca khúc có nội dung về tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đồng bào, nhân dân, tự hào dân tộc…, trong đó có tình yêu biển đảo, thời nào cũng có. Tùy từng thời điểm cụ thể, “dòng chảy” ấy lại trỗi dậy mạnh mẽ. Những ca khúc cách mạng hay nhất đã ra đời trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Tương tự như vậy, những ca khúc hay về biển đảo không phải đến bây giờ mới ra đời, song, khi “biển Đông dậy sóng”, mảng ca khúc và cảm hứng, đề tài này lại chiếm ưu tiên trong đời sống âm nhạc hiện nay.
Mỗi album, mỗi bài hát, mỗi bản nhạc, mỗi MV đều mang tiếng nói, vẻ đẹp riêng, song tất cả đều là giai điệu Tổ quốc.
KHẢI THƯ