Nhiều kết quả tích cực trong phòng, chống sốt rét
Thời gian qua, nhờ được đầu tư tốt, công tác phòng, chống sốt rét đạt nhiều kết quả tích cực. Mục tiêu loại trừ bệnh sốt rét trong năm 2024 ở tỉnh Bình Định nhờ vậy đã gần hơn bao giờ hết.
Trong những năm qua, được sự đầu tư của dự án Sáng kiến khu vực ngăn chặn và loại trừ sốt rét kháng thuốc Artemisinin và dự án Phòng chống sốt rét quốc gia, công tác phòng chống và loại trừ sốt rét ở Bình Định đã đạt kết quả rất lớn. Tình hình sốt rét ở tỉnh Bình Định giảm đều mỗi năm, có nhiều huyện 2 năm liền không có bệnh nhân sốt rét. Trong đó, số bệnh nhân sốt rét có ký sinh trùng năm 2018 có 45 ca, năm 2019 có 70 ca, năm 2020 có 21 ca và năm 2021 chỉ còn 4 ca; đồng thời không có sốt rét ác tính và không có tử vong do sốt rét.
Hằng năm, các địa phương vùng nguy cơ đều tẩm màn bằng hóa chất để phòng sốt rét cho người dân. Ảnh: Đ. THẢO
Cùng với đó, theo bác sĩ Hoàng Xuân Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, năm 2020, Trung tâm đã cấp giấy chứng nhận loại trừ sốt rét cho TX Hoài Nhơn. Hiện tại, Trung tâm đang đánh giá, thẩm định hồ sơ loại trừ sốt rét cho 3 đơn vị gồm: TP Quy Nhơn, TX An Nhơn và huyện Phù Mỹ. Đồng thời, tỉnh Bình Định đang trong giai đoạn phòng, chống và loại trừ sốt rét, phấn đấu đến năm 2024 loại trừ sốt rét trong toàn tỉnh và bắt đầu từ năm 2025 sẽ chuyển sang giai đoạn phòng ngừa sốt rét quay trở lại.
“Tại Bình Định, thời gian qua sốt rét vẫn còn nhưng rất ít, tập trung ở một số huyện miền núi và không có ca tử vong. Đến nay, TX Hoài Nhơn đã được công nhận đạt tiêu chí loại trừ sốt rét và một số địa phương khác cũng đang được thẩm định. Ở vùng núi, tình hình dịch bệnh cũng đang được kiểm soát rất tốt nên việc để loại trừ sốt rét trên địa bàn tỉnh theo dự kiến không khó.
PGS.TS HỒ VĂN HOÀNG, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
Bác sĩ Hoàng Xuân Thuận cho biết thêm, giai đoạn 2022 - 2025 ngành Y tế sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phòng chống, nhanh chóng đẩy lùi bệnh sốt rét để đến năm 2025 đạt tỷ lệ mắc ký sinh trùng sốt rét còn dưới 0,015/1.000 dân, tỷ lệ tử vong do sốt rét dưới 0,002/100 nghìn dân, không để dịch sốt rét xảy ra. Trong đó tập trung ưu tiên vào vùng sốt rét lưu hành, sốt rét kháng thuốc và đối tượng nguy cơ cao; thực hiện loại trừ bệnh sốt rét ở các huyện có sốt rét lưu hành và củng cố các yếu tố bền vững nhằm ngăn chặn bệnh sốt rét quay trở lại.
Bên cạnh đó, ngành Y tế tiếp tục bổ sung các chương trình, kế hoạch hoạt động phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét ở tất cả các tuyến, thực hiện tốt kế hoạch phân vùng dịch tễ sốt rét, đẩy mạnh hoạt động phòng chống sốt rét kháng thuốc và xây dựng các dự án phòng chống sốt rét đối với các vùng trọng điểm. Các TTYT huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo và tổ chức triển khai các biện pháp phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sốt rét và sốt rét kháng thuốc, giám sát côn trùng, ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống và loại trừ sốt rét.
Với đặc điểm là huyện miền núi, người dân thường xuyên đi rừng, ngủ rẫy, Vân Canh là một trong những địa phương ghi nhận số ca mắc sốt rét nhiều nhất trong cả tỉnh. Dù vậy, năm 2021, huyện chỉ còn ghi nhận 3 trường hợp sốt rét. Bác sĩ CKII Lang Đình Bính, Giám đốc TTYT huyện Vân Canh, chia sẻ: Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ, phối hợp của nhiều đơn vị, huyện cũng tích cực triển khai các hoạt động phòng, chống sốt rét nên không có tình trạng bệnh lan rộng, tử v ong.
Bác sĩ Đoàn Thị Kim Tuyến, Trưởng Trạm Y tế Canh Hòa, cho biết: Trạm thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt rét tại hộ gia đình. Đồng thời hằng năm cứ vào mùa cao điểm của sốt rét, chúng tôi cùng một số đơn vị tuyến trên bắt đầu tẩm màn bằng hóa chất để phòng, chống sốt rét cho người dân.
ĐỖ THẢO