Diễn báo cáo vở bài chòi “Cô thần”
(BĐ) - Tối 3.1, đoàn ca kịch bài chòi Bình Định (thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh) diễn báo cáo tổng duyệt vở bài chòi “Cô thần” (ảnh).
Đây là vở diễn được NSƯT Nguyễn Tấn Hào chuyển thể từ kịch bản văn học của tác giả Văn Trọng Hùng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng mới theo kế hoạch trong năm 2021.
Nội dung vở bài chòi “Cô thần” ngợi ca lòng trung quân báo quốc của Trung thư lệnh Trần Văn Kỷ, một mưu sỹ tài ba và là tín thần của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ. Ông là vị quân sư đã giúp vua Quang Trung xây dựng vương triều Tây Sơn thịnh trị trong một thời gian dài, có công lớn hóa giải mối bất hòa giữa hai anh em Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ.
Sau khi vua Quang Trung băng hà, vua con là Cảnh Thịnh - Nguyễn Quang Toản kế vị. Do vua còn nhỏ tuổi, bọn gian thần do Thái sư Bùi Đắc Tuyên cầm đầu lộng hành khiến vương triều Tây Sơn lục đục, dân tình thống khổ. Trần Văn Kỷ bị giáng chức làm lính coi trạm Hoàng Giang, ở phía Bắc Thừa Thiên. Đại tư đồ Võ Văn Dũng đang ở Thăng Long được lệnh triệu hồi về Phú Xuân để Ngô Văn Sở ra Thăng Long thay thế vị trí.
Trên đường về Phú Xuân, Võ Văn Dũng đi ngang qua Hoàng Giang thì gặp Trần Văn Kỷ. Sau khi hiểu rõ tình hình triều đình, Võ Văn Dũng bàn với Trần Văn Kỷ diệt trừ gian thần Bùi Đắc Tuyên.
Bọn gian thần bị tiêu diệt, nhưng lúc này nội bộ triều Tây Sơn rối ren và nhanh chóng suy tàn dưới sự tấn công của quân Nguyễn Ánh. Năm 1801, Nguyễn Ánh lên ngôi vua lấy hiệu Gia Long. Vua Gia Long cho người mời Trần Văn Kỷ về kinh, tìm mọi cách chiêu dụ ông phục vụ triều Nguyễn, nhưng ông cương quyết từ chối và chịu tội chết. Trước khi chết ông xin được về quê bái yết từ đường và được chấp thuận. Nhưng trên đường về quê, Trần Văn Kỷ đã hô to câu: “Trung thần bất sự nhị quân” (Kẻ trung thần không thờ hai vua) và nhảy xuống sông tự vẫn để giữ trọn khí tiết một lòng trung quân với vua Quang Trung, với vương triều Tây Sơn.
NGỌC NHUẬN