Xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện và cầu thị
Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Bình Ðịnh (DDCI) vừa được UBND tỉnh ban hành được kỳ vọng góp phần quan trọng xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện và cầu thị, phục vụ tốt nhất cho nhà đầu tư, DN.
Lượng hóa, sát thực tiễn
Trong các năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Định có chiều hướng giảm dần. Năm 2020, tổng số điểm PCI mà Bình Định đạt được là 63,18 (giảm 3,38 điểm so với năm 2019), xếp thứ 37 (giảm 18 bậc so với năm 2019).
Tính minh bạch và tiếp cận thông tin là 1 trong 9 chỉ số thành phần của Bộ chỉ số DDCI.
- Trong ảnh: UBND xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn niêm yết công khai các thủ tục hành chính thuộc phạm vi giải quyết. Ảnh: N.V.T
Trong bối cảnh chung đó, việc cải thiện năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh đến cấp sở và UBND cấp huyện là giải pháp rất quan trọng, được cụ thể hóa trong Nghị quyết số 19/2018/NQ-CP của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo. Trong đó, đưa ra nhiệm vụ đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải thực hiện đánh giá tính sáng tạo và kết quả điều hành của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện.
Thực tiễn cũng cho thấy, trong giai đoạn 2014 - 2018, điểm số trung bình PCI các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có triển khai đánh giá chỉ số DDCI cao hơn 3,8 điểm so với các địa phương chưa triển khai đánh giá chỉ số DDCI.
Đó là những cơ sở quan trọng để UBND tỉnh ban hành bộ chỉ số DDCI với 9 chỉ số thành phần: Tính minh bạch và tiếp cận thông tin; Tính năng động của sở, ban, ngành, địa phương; Chi phí thời gian; Chi phí không chính thức; Cạnh tranh bình đẳng; Hỗ trợ DN; Thiết chế pháp lý; Vai trò người đứng đầu; Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất.
Nội dung chi tiết bộ chỉ số DDCI Bình Định được cụ thể hóa để áp dụng cho 2 khối: Khối địa phương và khối các cơ quan thuộc tỉnh, các cơ quan Trung ương. Mỗi chỉ số bao gồm 3 - 11 tiêu chí thành phần mang tính định lượng, sát hợp thực tiễn. Chẳng hạn, chỉ số “Tính năng động của sở, ban, ngành” có các tiêu chí như: Chủ động tham mưu và kiến nghị UBND tỉnh các đề xuất/giải pháp cụ thể để hỗ trợ DN cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Chủ động thực hiện các biện pháp hợp lý và hiệu quả nhằm hỗ trợ DN, HTX trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh…
Cải thiện chất lượng điều hành
Theo Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Thành Hải, bộ chỉ số DDCI Bình Định được ban hành nhằm đánh giá năng lực điều hành của các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh, các cơ quan thuộc tỉnh và UBND cấp huyện. Từ đó, tạo động lực cải cách hướng đến tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, các DN đang hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đi vào cụ thể, bộ chỉ số sẽ góp phần xây dựng hình ảnh thân thiện và cầu thị của chính quyền các cấp đối với cộng đồng kinh doanh. Cung cấp cho lãnh đạo tỉnh một công cụ hiệu quả để giám sát và chỉ đạo cải thiện chất lượng điều hành đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương. Đồng thời, giúp lãnh đạo tỉnh xác định được những thực tiễn tốt trong cải cách hành chính tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, từ đó nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Bộ chỉ số cũng là công cụ hữu ích để đánh giá khách quan năng lực điều hành của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến nhà đầu tư, DN. Qua đó, hỗ trợ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương cải thiện hiệu quả hoạt động của đơn vị. “Đồng thời, tạo sự cạnh tranh, thi đua lành mạnh về chất lượng điều hành giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương, tạo động lực cải cách một cách mạnh mẽ, đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến nhà đầu tư, DN; góp phần vào nỗ lực chung của tỉnh trong việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi”, ông Hải phân tích.
Mặt khác, bộ chỉ số còn tạo kênh thông tin tin cậy, cởi mở, rộng rãi để DN tham gia đóng góp ý kiến nâng cao năng lực điều hành của chính quyền các cấp; nâng cao chất lượng quản lý, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh.
Theo Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Bình Định:
Đối tượng được đánh giá là UBND 11 huyện, thị xã, thành phố; 16 cơ quan thuộc tỉnh (gồm Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các sở: Công Thương, Du lịch, GTVT, GD&ĐT, KH&ĐT, KH&CN, LĐ-TB&XH, NN&PTNT, Tài chính, TN&MT, TT&TT, Tư pháp, VH&TT, Xây dựng, Y tế); 6 cơ quan thuộc khối các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh (BHXH tỉnh, CA tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Hải quan Bình Định, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh).
Đối tượng được khảo sát là các DN, hiệp hội DN, hộ sản xuất kinh doanh, HTX đang hoạt động, sản xuất kinh doanh, triển khai đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh Bình Định và có tương tác hoặc sử dụng dịch vụ hành chính công của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong năm đánh giá.
NGUYỄN VĂN TRANG