Từ hôm nay, TP Quy Nhơn được mở lại các dịch vụ
Chiều 4.1, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh đã họp, thống nhất cho phép TP Quy Nhơn mở lại các dịch vụ tương ứng với cấp độ dịch; tiếp tục đẩy mạnh tiêm vắc xin, điều trị F0 tại nhà.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh - chủ trì cuộc họp.
Mở lại các dịch vụ, giảm khó khăn cho người dân
Từ ngày 28.12.2021 đến 3.1.2022, TP Quy Nhơn tiếp tục là địa phương có số ca mắc mới Covid-19 cao nhất tỉnh, chiếm 62,2% số ca mắc toàn tỉnh. Trong đó, có hơn 2.000 ca mắc tại cộng đồng, tăng 211 ca so với tuần trước.
Dịch vụ ăn uống tại chỗ trên địa bàn TP Quy Nhơn được phép mở lại từ sáng ngày 5.1. Ảnh: TRƯƠNG ĐỊNH
Trước đó, từ 12 giờ 25.12.2021, để phòng, chống dịch Covid-19, TP Quy Nhơn đã tạm dừng các dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm cao; nhà hàng, quán ăn… chỉ được bán mang về. Tuy nhiên, sau khoảng 10 ngày thực hiện quy định, số ca F0 vẫn không giảm mạnh. Trong khi đó, tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề, nhân dân trên địa bàn thành phố gặp khó khăn do đại dịch kéo dài.
Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng đã đề xuất: “Công tác phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay tập trung vào quản lý, điều trị F0 là chính. Vì vậy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh tính toán cho phép TP Quy Nhơn mở lại các dịch vụ để nhân dân trên địa bàn giảm bớt khó khăn trong khi Tết đã đến gần”.
Thống nhất với đề xuất này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hải Giang nói thêm: “Dù mở cửa lại các dịch vụ, TP Quy Nhơn phải tăng cường kiểm soát công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Bởi nếu không, số ca F0 sẽ tiếp tục tăng. Mà số ca F0 tăng thì sẽ tác động tiêu cực đến lực lượng lao động phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ”.
Kết luận tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng thống nhất với đề xuất cho phép TP Quy Nhơn mở các dịch vụ trở lại trên cơ sở tương ứng với cấp độ dịch. Đồng chí nhấn mạnh: “Thành phố cần tăng cường tuyên truyền cho nhân dân hiểu việc mở lại các dịch vụ là để thích ứng với tình hình mới, giảm bớt các khó khăn, phần nào đảm bảo cuộc sống để đón tết Nguyên đán chứ không phải là đã kiểm soát được dịch Covid-19 trên địa bàn. Vì thế, cần phải nâng cao ý thức phòng, chống dịch hơn nữa để tự bảo vệ mình, gia đình, cộng đồng”.
Chiều 4.1, UBND TP Quy Nhơn đã có văn bản thông báo tổ chức lại các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố kể từ 6 giờ ngày 5.1. Theo đó, nhà hàng, quán ăn, kinh doanh dịch vụ ăn uống; chợ truyền thống; karaoke, mát xa, internet, trò chơi điện tử, gym, aerobic, yoga, fitness, khiêu vũ, bi da được phép hoạt động trở lại, với các điều kiện: Hoạt động, kinh doanh không quá 50% công suất, chỉ được hoạt động đến 21 giờ hằng ngày; thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K; tổ chức khai báo y tế; quét mã QR; bố trí khoảng cách tối thiểu theo quy định.
Rà soát hoạt động điều trị F0 tại nhà
Toàn tỉnh hiện có 5.999 trường hợp F0 đang được quản lý, điều trị. Trong đó, có 4.495 trường hợp đang được quản lý tại nhà, chiếm 75% số ca đang điều trị, tăng 9% so với tuần trước.
Bí thư Thành ủy Quy Nhơn Nguyễn Văn Dũng cho biết: Số ca F0 điều trị tại nhà của thành phố chiếm 84,5% tổng số ca đang điều trị. Ngoài ra, còn có hơn 8.200 F1 đang được theo dõi tại nhà.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long chỉ đạo TP Quy Nhơn tổ chức trang trí thành phố để người dân có thể đi dạo theo nhóm nhỏ, lưu giữ khoảnh khắc đón Tết. Đồng chí Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - cho rằng các tiểu cảnh trang trí phục vụ Tết cần bố trí thành nhiều điểm tại nhiều nơi để đảm bảo giãn cách.
Đối với chợ hoa xuân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND thành phố có hướng dẫn cho Công ty CP Công viên, Cây xanh và Chiếu sáng đô thị Quy Nhơn thay đổi cách phân lô, tạo điều kiện cho người dân kinh doanh hoa Tết nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Phi Long, thời gian tới, công tác quản lý, điều trị F0 tại nhà cần nâng lên tỷ lệ 80 - 85%. Theo đó, tỉnh giảm chi phí cho công tác truy vết, chi phí xét nghiệm thường xuyên cho cán bộ, công chức, viên chức để nâng nguồn lực cho công tác điều trị, trong đó có việc chuẩn bị cơ sở vật chất, năng lực điều trị cho các trạm y tế, trạm y tế lưu động.
Trước yêu cầu tăng số lượng quản lý, điều trị F0 tại nhà, các thành viên Ban chỉ đạo yêu cầu ngành Y tế, TP Quy Nhơn rà soát lại việc phân công trách nhiệm của các trạm y tế, trạm y tế lưu động. Thời gian qua, một số trạm y tế, trạm y tế lưu động chưa xử lý tốt thông tin phản ánh của F0, để người dân lúng túng, bất an. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu ngành Y tế đánh giá lại hiệu quả hoạt động của các trạm y tế, trạm y tế lưu động, có giải pháp hiệu quả trong tiếp nhận thông tin điều trị của F0.
Đối với công tác tiêm vắc xin, hiện tại, Bình Định đã đạt tỷ lệ bao phủ 98,1% số người được tiêm 1 mũi vắc xin; 85,35% số người được tiêm 2 mũi vắc xin. Tỷ lệ tiêm vắc xin cho trẻ 12 đến 17 tuổi đạt 75,9%. Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo yêu cầu ngành Y tế và các địa phương khẩn trương hơn với công tác này. “Trước tết Âm lịch, Bình Định phải đạt tỷ lệ trên 90% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi vắc xin. Đối với việc tiêm bổ sung mũi 3, ngoài lực lượng tuyến đầu, tổ điều trị F0, cần khẩn trương tiêm cho người cao tuổi (trên 60 tuổi)”, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu.
Đồng chí Hồ Quốc Dũng chỉ đạo UBND tỉnh ra quy định: Khi phát hiện F0 tại đơn vị, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, DN có trách nhiệm thông báo về địa phương để tiếp nhận, theo dõi, không để F0 tự thông báo, báo cáo với địa phương. Ngoài ra, TP Quy Nhơn tính toán phương án cho học sinh đi học trở lại. Các địa phương tiếp tục chăm lo, đảm bảo đời sống của người dân, nhất là trong dịp tết Nguyên đán.
NGUYỄN MUỘI