Hỗ trợ cha mẹ chăm sóc, bảo vệ con trẻ
Những vụ tai nạn thương tích, đuối nước, bạo hành trẻ xảy ra cuối năm 2021 một lần nữa đặt ra yêu cầu về việc cha, mẹ, người chăm sóc trẻ phải có hiểu biết, kỹ năng để đảm bảo sự an toàn và quyền lợi của trẻ.
Lớp tập huấn do Sở LĐ-TB&XH tổ chức tại xã Vĩnh Kim (huyện Vĩnh Thạnh) trong tháng 12.2021 thu hút nhiều cha mẹ trẻ tuổi. Ảnh: Sở LĐ-TB&XH
Chiều 28.12.2021, Đoàn công tác của Sở LĐ-TB&XH đến thăm, chia buồn cùng gia đình ông Trương Văn Sang (ở xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước) sau biến cố con trai út của ông bị đuối nước. Ông Sang không cầm được nước mắt: “Thằng nhỏ 14 tuổi, thời gian qua có một số biểu hiện của “giai đoạn nổi loạn”. Vợ chồng tôi cũng đã dành thời gian quan tâm đến cháu nhiều hơn. Hằng ngày vẫn thấy cháu ngoan ngoãn đi học rồi về nhà, không ngờ hôm đó lại theo bạn ra đập rồi nhảy xuống tắm”.
Mấy ngày qua, đi đến đâu cũng nghe nhắc vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành đến tử vong ở TP Hồ Chí Minh. Nhiều người bức xúc cho rằng, có thể không có ý thức tước đoạt mạng sống của trẻ nhưng người “mẹ kế” vẫn đánh vào những vùng nguy hiểm. Nói đến đây, một số người bất giác rùng mình, nghĩ lại lúc mình giận con, cũng có “quơ tay quơ chân” bất chấp.
Theo Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), những kết quả khảo sát không chính thức cho thấy, vẫn còn những người làm cha mẹ chưa đóng tròn vai trò là người “bạn” - đồng hành, chia sẻ với trẻ những vấn đề trẻ quan tâm. Trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy con, vẫn có người thiếu kiến thức, kỹ năng, một số đặt nặng thành tích, tạo áp lực học tập cho trẻ…
Bà Trương Thị Thùy Trang, Trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới cho rằng, nếu không thường xuyên cập nhật kiến thức, thông tin, cha mẹ sẽ rất dễ lạc hậu và không theo kịp con cái mình. “Sự xung đột giữa các thế hệ cùng những áp đặt từ người lớn dễ gây ra những ức chế trong trẻ. Nhìn nhận các con như những người bạn, cùng chia sẻ, trao đổi, giúp con nhận ra thế mạnh của bản thân mà phát huy, nhận ra khuyết điểm mà hạn chế, khắc phục là điều rất quan trọng”, bà Trang chia sẻ.
Từ thực tế đó, nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng về bảo vệ chăm sóc trẻ em, trong năm 2021, Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em tại các huyện: Hoài Ân, An Lão, Vĩnh Thạnh, Vân Canh… Nội dung tập huấn tập trung vào Luật Trẻ em 2016, đồng thời hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng ngừa lao động trẻ em; phòng, tránh tai nạn thương tích và sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ em…
Kết thúc hai ngày tập huấn (27 - 28.12) tại huyện Vân Canh, bà Nguyễn Thị Thanh Bắc, Phó trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện nhìn nhận, những người làm cha mẹ, người chăm sóc trẻ đã thu nhận được những kiến thức, kỹ năng cực kỳ bổ ích. “Thiết thực nhất là mọi người đã biết được những nguy cơ và những dấu hiệu xâm hại trẻ, để họ không chỉ ngăn ngừa nguy cơ đối với con mình mà còn có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường trong trường hợp con mình hoặc trẻ hàng xóm không dám nói ra”, bà Bắc trao đổi.
Ngày 24.12.2021, 30 cha mẹ từ Làng 1 đến Làng 8 của xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thạnh) đã có mặt đông đủ để tham gia lớp tập huấn của Sở LĐ-TB&XH. Suốt 2 buổi, thi thoảng, họ lại quay sang nhau, bàn tán chuyện gì tỏ vẻ tâm đắc lắm. Chị Đinh Thị Trước ở Làng 1 cho biết: “Mình và các chị em biết được rằng, các con các cháu có nhiều quyền lợi lắm, cha mẹ cần phải quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ nhiều để các con, các cháu phát triển tốt”.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, yêu cầu các phòng LĐ-TB&XH trên cơ sở bộ tài liệu từ lớp tập huấn, tiếp tục cập nhật và đẩy mạnh tuyên truyền đến cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Các phòng có thể phối hợp với các hội, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu” và nâng cao hơn nữa hiệu quả đạt được.
Hãy gọi đến Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em: 111
Sau vụ bé gái 8 tuổi ở TP Hồ Chí Minh bị bạo hành tử vong, Sở LĐ-TB&XH yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền về Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em - số 111. Tổng đài này hoạt động 24/7, hoàn toàn miễn phí. Mọi người hãy vào App Store hoặc CH Play để tải ứng dụng Tổng đài về, hướng dẫn trẻ thực hiện thao tác và có thể gọi bất kỳ giờ nào khi cần, điện thoại không có tiền vẫn gọi được. Bất kỳ ai khi thấy trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực hoặc có vấn đề cần tư vấn về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em hãy gọi 111. Nếu ở Bình Định, có thể liên lạc thêm Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội Bình Định qua số 0256.3835355.
NGỌC TÚ