Đại biểu Quốc hội: "Cần củng cố và phát triển hệ thống y tế phường, xã"
PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (đoàn ĐBQH đoàn Bình Định) mong rằng, trong mục tiêu của Chương trình hỗ trợ phục hồi KT-XH cần nhấn mạnh củng cố và phát triển hệ thống y tế, đặc biệt ở tuyến phường, xã.
Chiều 4.1, tại phiên thảo luận tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu (đoàn ĐBQH đoàn Bình Định) - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mong rằng, trong mục tiêu của Chương trình hỗ trợ phục hồi KT-XH cần nhấn mạnh củng cố và phát triển hệ thống y tế đặc biệt ở tuyến phường, xã. Có giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn mà ngành y tế đang gặp phải trong 2 năm vừa qua. "Có như vậy sự phát triển của KT-XH mới thực sự ổn định và chúng ta có thể trụ vững nếu dịch bệnh vẫn tiếp tục hoành hành"- đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho hay.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu tại phiên thảo luận về KT-XH và công tác phòng chống dịch Covid-19 sáng 9.11.2021.
Theo ông Nguyễn Lân Hiếu, nếu không kịp chuẩn bị chi tiết, chí ít sẽ ghi rõ trong Nghị quyết Quốc hội của Kỳ họp bất thường lần thứ nhất là giao cho Chính phủ cần sớm ban hành các thông tư, nghị định hướng dẫn việc khám chữa bệnh trong giai đoạn ngay trước mắt.
"Ví dụ cụ thể như theo tinh thần Nghị quyết 12 của UBTVQH ngày 30.12.2021 rất cần có hướng dẫn các quy định về thanh quyết toán cho các cơ sở khám chữa bệnh điều trị Covid-19. Hiện nay các cơ sở y tế đã tham gia điều trị Covid-19 trong vòng 2 năm qua tuy nhiên vẫn chưa có hướng dẫn, quy định thực sự rõ ràng trong thanh quyết toán. Hay các hướng dẫn cụ thể về cơ chế chi trả cho các bệnh viện ngoài công lập tham gia điều trị Covid-19 hiện nay cũng chưa có. Ngành y tế đang thực sự trong giai đoạn vô cùng khó khăn rất cần sự chung tay của toàn xã hội”- đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho biết.
Trước đó, sáng 4.1, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình về dự thảo nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH.
Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu với quy mô thực hiện dự kiến trong năm 2022-2023 như sau: (1) Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh (60.000 tỷ đồng); (2) Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm (53,15 nghìn tỷ đồng); (3) Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (110.000 tỷ đồng); (4) Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển (113,85 nghìn tỷ đồng); (5) Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ngoài ra, huy động từ các Quỹ tài chính ngoài NSNN khoảng 10.000 tỷ đồng.
Theo tờ trình, chi trực tiếp từ ngân sách Nhà nước là 176.000 tỷ đồng, chỉ sử dụng để chi đầu tư phát triển. Khoản này chia ra, phòng, chống dịch, đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng, viện và bệnh viện cấp trung ương là 14.000 tỷ đồng.
Về an sinh xã hội, lao động, việc làm, cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội 5.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ dùng cấp bù lãi suất và phí quản lý 2.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách cho vay ưu đãi thuộc Chương trình; hỗ trợ lãi suất cho đối tượng vay vốn 3.000 tỷ đồng.
Chính phủ sẽ đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm là 3.150 tỷ đồng...
Theo Minh Khánh (VOV.VN)