Cần phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa
Với 12 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, trong đó có 4 di tích (DT) cấp Quốc gia, Tuy Phước được xem là huyện có số lượng DT lớn của tỉnh. Trong những năm qua, việc trùng tu, tôn tạo những DT này đã được các cấp, các ngành quan tâm, nhưng hiện nay rất ít người đến thăm viếng.
Mộ danh nhân văn hóa Đào Tấn.
Huyện Tuy Phước có 4 DT văn hóa- lịch sử cấp Quốc gia là tháp Bánh Ít, tháp Bình Lâm, mộ danh nhân văn hóa Đào Tấn, DT lịch sử vụ thảm sát Nho Lâm và 8 DT được công nhận cấp tỉnh gồm: Nhà lưu niệm Xuân Diệu, chứng tích vụ thảm sát Tân Giảng, mộ danh nhân Lê Công Miễn, Kiến trúc chùa Bà Phước Quang, Văn chỉ Tuy Phước… Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn nhiều DT đang trong quá trình lập hồ sơ công nhận và bảo vệ.
Trong nhiều năm qua, các cấp, các ngành và huyện Tuy Phước đã có nhiều nỗ lực trong việc trùng tu, tôn tạo các DT, di sản văn hóa (DSVH) vật thể. Đến nay, có thể nói việc trùng tu, tôn tạo, xây dựng mới các DT cơ bản được hoàn thành và đưa vào sử dụng, phục vụ nhân dân đến thăm viếng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, hiện người dân rất ít đến các DT lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện.
Đến viếng mộ danh nhân văn hóa Đào Tấn, tôi nhận thấy không khí hoang vu bao trùm DT này. Ông Nguyễn Văn Ba, một người làm vườn gần đó, cho biết thi thoảng mới có người đến viếng mộ. Nhớ lại, tháng 10.2012, khi tiến hành tìm hiểu về thực trạng bảo tồn và phát huy các DSVH trên địa bàn huyện, tôi đã thực hiện một cuộc điều tra xã hội học với 206 phiếu điều tra để thu thập ý kiến của người dân về một số vấn đề liên quan đến hoạt động bảo tồn và phát huy các DSVH trên địa bàn huyện. Kết quả cho thấy, khi được hỏi ông (bà) có thường xuyên nghe (hoặc xem) các chương trình giới thiệu về DSVH trên các báo, đài phát thanh - truyền hình của huyện, tỉnh không? Trong số 206 phiếu phát ra, có 106 phiếu (chiếm tỉ lệ trên 50%) trả lời không thường xuyên và không chú ý nghe hoặc xem. Đáng lưu ý, khi được hỏi ông (bà) có thường xuyên đến thăm các DSVH ở địa phương không? Kết quả, có tới 156 phiếu (chiếm tỉ lệ 75,7%) trả lời là thỉnh thoảng đến thăm.
Bảo tồn DSVH phi vật thể là hoạt động nhằm giữ lại các giá trị văn hóa- lịch sử chứa đựng trong các DT. Mục đích quan trọng nhất của hoạt động phát huy giá trị DSVH vật thể là làm cho các ý nghĩa văn hóa, tinh hoa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp chứa đựng trong các DT lan tỏa vào cộng đồng, tiếp tục duy trì sức sống của nó trong đời sống tinh thần cộng đồng, góp phần quan trọng vào hoạt động giáo dục truyền thống và đặc biệt là giữ gìn bản sắc dân tộc. Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị DSVH chỉ đạt được mục đích khi đa số người dân quan tâm, tìm hiểu, hưởng thụ những giá trị văn hóa chứa đựng trong các DT. Khi người dân ít quan tâm, không đến tham quan các DT, khó có thể nói những nỗ lực trong hoạt động bảo tồn DSVH đạt được mục đích đặt ra.
Trước thực tế như vậy, để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị DT lịch sử - văn hóa nói trên, phục vụ công tác giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống yêu nước cho cán bộ và nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên... thiết nghĩ, các ngành chức năng của huyện Tuy Phước và tỉnh cần có những giải pháp khả thi để thu hút người dân đến tham quan các DT. Bên cạnh đó, mỗi người dân, với trách nhiệm và quyền lợi của mình, cần quan tâm tìm hiểu, giáo dục con cháu về ý nghĩa văn hóa của các DT quý báu mà ông cha để lại.
NGÔ HỒNG SƠN