Chuyển động ở Phù Cát
Năm 2021, huyện Phù Cát tập trung đầu tư hỗ trợ người dân mạnh mẽ liên kết sản xuất trên các cánh đồng lớn, trồng đậu phụng, nuôi tôm… Nhờ vậy ngay trên những lĩnh vực rất quen thuộc huyện vẫn tạo ra lối đi mới trong phát triển kinh tế.
Tạo nền tảng
Nhiều năm qua Phù Cát đã dồn sức cho những khâu then chốt như thực hiện thành công việc dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất, áp dụng tiến bộ KHKT; đầu tư quy hoạch, chỉnh trang đồng ruộng, vùng sản xuất từ hệ thống giao thông, thủy lợi, bờ vùng, bờ thửa để chủ động tưới tiêu và đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp. Đây là cơ sở quan trọng để thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản xuất hàng hóa trên cùng một đơn vị diện tích.
Sau khi 2 hệ thống kênh thủy lợi quan trọng của tỉnh - Văn Phong, Thuận Ninh đưa vào sử dụng, diện tích canh tác đảm bảo nước tưới của Phù Cát tăng mạnh, riêng diện tích trồng cây lương thực đã đạt 14.772 ha. Nhờ triển khai tốt Đề án cải tạo bộ giống lúa thích ứng với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, huyện đã thiết lập vùng sản xuất lúa giống trên 500 ha ở các xã: Cát Nhơn, Cát Tường, Cát Tân, Cát Tài, Cát Minh, Cát Thành… Đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao sản lượng và chất lượng lúa của huyện, đồng thời tạo điều kiện để việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ diễn ra tốt hơn, bước đầu đã hình thành vùng chuyên canh cây lúa, cây đậu phụng, cây hành, cây ớt, bắp lai, dưa hấu và rau màu các loại. Huyện đã chuyển đổi gần 2.830 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng bắp lai, dưa hấu, đậu phụng... nhờ đó thu nhập đã tăng gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa trên cùng một đơn vị diện tích, đưa lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong năm 2021, Phù Cát đã triển khai thực hiện 58 mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” trên diện tích 3.000 ha, sản xuất trên cây lúa, đậu phụng, mì xen đậu và công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa hoặc 2 vụ lúa, 1 màu có nhiều tiến bộ. Nhìn chung, việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ đều cho năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập tăng, từng bước hình thành những cánh đồng sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa và một số sản phẩm nông nghiệp bước đầu đáp ứng thị trường tiêu thụ. Giá trị bình quân 1 ha canh tác đạt 121 triệu đồng, tăng 1,8 triệu đồng so năm 2020; nhiều cánh đồng ở các xã: Cát Lâm, Cát Hiệp, Cát Tài, Cát Hải, Cát Hanh… đạt trên 200 triệu đồng/ha.
Nâng tầm sản phẩm
Phù Cát là huyện biết cách phát huy, nâng giá trị những sản phẩm quen thuộc, có nhiều lợi thế của địa phương, cách làm của Cơ sở sản xuất dầu phụng Công Chính của anh Võ Công Chính ở thôn Thái Thuận, xã Cát Tài là một điển hình.
Anh Chính kể, ban đầu sản phẩm của tôi làm ra chủ yếu chỉ bán cho bà con trong vùng. Năm 2018, nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công (Sở Công Thương), đặc biệt là được lãnh đạo huyện động viên, khuyến khích thường xuyên, tôi đầu tư hơn 1 tỷ đồng để xây nhà xưởng và mua máy ép đậu phụng tự động, nồi hơi. Nhờ vậy bình quân mỗi ngày cơ sở của tôi tiêu thụ hơn 3 tấn đậu phụng vỏ và sản xuất gần 1.000 lít dầu, sản phẩm làm ra tiêu thụ rất mạnh ở trong và ngoài tỉnh; vì chất lượng dầu phụng vừa sạch, vừa dẻo, vừa thơm. Năm 2020 dầu phụng Công Chính được UBND tỉnh chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3.
Năm 2021, huyện Phù Cát phối hợp với nhiều đơn vị thực hiện 8 mô hình sản xuất theo chuỗi và tất cả đều đạt kết quả tốt, cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ Semi Biofloc tại ao tôm của hộ ông Lê Xuân Tâm, ở xã Cát Minh là một điển hình vượt trội.
Ông Tâm kể, gần như tôm của tôi không bị bệnh, lớn rất nhanh. Sau 3 tháng nuôi tôm đạt mức bình quân khoảng 79 con/kg, năng suất đạt 24 tấn/ha, lãi hơn 170 triệu đồng. Nuôi tôm theo công nghệ Semi Biofloc an toàn sinh học, giúp tôm tăng trưởng nhanh, năng suất và sản lượng cao; lại giảm chi phí sản xuất so với nuôi thông thường.
Ông Nguyễn Văn Lê - Trưởng Phòng NN& PTNT huyện Phù Cát cho biết: “Năm 2021 thu nhập đầu người ở huyện Phù Cát đạt mức 50,7 triệu đồng/ người, tăng 3,7 triệu đồng so năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,35%. Đây là cơ sở để năm 2022 huyện tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Năm 2021, huyện Phù Cát đã có 11 sản phẩm được chứng nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, từ 3 đến 5 sao. Cụ thể gồm:
Hạng 5 sao: Con giống Gà ta Cao Khanh (xã Cát Tân)
Hạng 4 sao: Nón Ngựa Phú gia (xã Cát Tường)
Hạng 3 sao: Bún phở Cô Phương (thị trấn Ngô Mây), Dầu phộng Công Chính (xã Cát Tài), Chả lụa Ngọc Nga (xã Cát Minh), Nước mắm Thái An (xã Cát Khánh), Bánh cốm Phong Nga - Bánh gạo lứt nguyên hạt Phong Nga (xã Cát Tường), Trà cà gai leo Bảo Khánh - Bột trái nhàu Bảo khánh - Trà bí đao Bảo Khánh (xã Cát Tân).
THẾ HÀ