Khẩn trương khôi phục sản xuất vụ Ðông Xuân
Vụ Ðông Xuân 2021 - 2022 diễn ra trong tình hình thời tiết diễn biến thất thường, mưa lũ muộn kéo dài làm ảnh hưởng tới diện tích sản xuất, kênh mương, ruộng đồng bị sa bồi thủy phá. Ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với các địa phương khẩn trương khắc phục, hỗ trợ nông dân duy trì ổn định sản xuất vụ Ðông Xuân.
Theo ghi nhận từ ngành Nông nghiệp tỉnh, đợt mưa lớn cuối tháng 12.2021 khiến 8.737 ha lúa Đông Xuân mới sạ bị ngập úng, 324 ha rau màu bị hư hại, nhiều diện tích bị ngập úng, sa bồi nặng chưa thể xuống giống. Đến nay, vẫn còn khoảng 1.590 ha bị ngập úng, sa bồi, tập trung ở các địa phương: Phù Cát 800 ha, TX An Nhơn 180 ha, Tuy Phước 350 ha, Tây Sơn 50 ha… Các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục thống kê thiệt hại, đặc biệt là diện tích hư hỏng nặng, diện tích chưa thể gieo sạ lại, kịp thời tham mưu chính quyền địa phương, ngành Nông nghiệp hỗ trợ nông dân.
Huyện Phù Cát huy động máy móc, nhân lực cùng với người dân khắc phục các chân ruộng bị sa bồi thủy phá ở xã Cát Hưng để kịp thời xuống giống vụ Đông Xuân 2021 - 2022 trước Tết Nguyên đán. Ảnh: VÕ ĐÌNH TRÍ
Vụ Đông Xuân 2021 - 2022, TX An Nhơn xuống giống 6.830 ha lúa, tập trung sạ từ ngày 10.12.2021. Tuy nhiên, đợt mưa lũ cuối tháng 12.2021 đã gây ngập úng hơn 1.903 ha, trong đó có 1.063 ha bị ngập nặng. Phòng Kinh tế TX An Nhơn phối hợp các địa phương, người dân khẩn trương khắc phục và thống kê thiệt hại; từng bước thực hiện hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất. Ông Đoàn Tuấn Sỹ, Phó trưởng Phòng Kinh tế TX An Nhơn, cho biết: Đến nay vẫn còn khoảng 200 ha ruộng ở Nhơn Hạnh, Nhơn Thành, Nhơn Phong chưa rút nước; các địa phương đã sạ lại được khoảng 200 ha. Những diện tích bị ngập sâu, không sạ lại, chúng tôi đang hướng dẫn chính quyền địa phương thống kê thiệt hại, lên phương án hỗ trợ dân. Với những chân ruộng đã rút nước, các địa phương chủ động hướng dẫn nông dân chăm sóc từng bước khắc phục, vào vụ sản xuất trở lại.
Phù Cát được xem là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do thiên tai. Cơn bão số 9 và đợt mưa lũ cuối tháng 12.2021 làm thiệt hại hơn 1.500 ha lúa, 127 ha đậu phụng. Hệ thống kênh mương nội đồng hư hỏng nặng, đến nay nhiều diện tích ruộng vẫn còn ngập úng, bị bồi lấp rất nặng.
Theo kế hoạch sản xuất, vụ Đông Xuân 2021 - 2022, Phù Cát xuống giống 7.050 ha lúa,3.824 ha đậu phụng, rau màu các loại. Đến nay, vẫn còn khoảng 578 ha chưa thể đưa vào sản xuất, chủ yếu tập trung tại các xã: Cát Hưng, Cát Nhơn, Cát Thắng và Cát Chánh. Huyện đang tập trung nhân lực, máy móc hỗ trợ người dân khắc phục, phấn đấu phục hồi sản xuất tất cả các diện tích bị thiệt hại trước tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, cho biết: “Cùng với các biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, UBND huyện Phù Cát chỉ đạo ngành Nông nghiệp huyện thống kê thiệt hại, lập danh sách và triển khai hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất theo quy định”.
Tương tự, ông Lê Hà An, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn cho hay, toàn huyện sản xuất trên 5.240 ha lúa, đợt mưa lũ vừa qua đã làm ngập úng hơn 1.000 ha lúa, tập trung nhiều ở các xã Bình Thuận, Bình Thành, Bình Hòa… Huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan, các xã khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại và hỗ trợ kịp thời để người dân khôi phục sản xuất vụ Đông Xuân.
Thực hiện chỉ đạo của Sở NN&PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương đang khẩn trương thống kê các thiệt hại; phần hỗ trợ triển khai theo chính sách của UBND tỉnh. Đồng thời, hướng dẫn ngành Nông nghiệp các địa phương giúp nông dân chăm sóc lúa sau lũ, bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng, đảm bảo hồi sức cho cây. Ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết: Với những diện tích bị hư hại không gieo sạ lại thì hỗ trợ nông dân theo quy định; với diện tích chưa sạ, hướng dẫn nông dân lựa chọn các giống lúa phù hợp, đảm bảo gieo trồng đúng thời vụ, đạt hiệu quả.
THU DỊU