Hoạt động khuyến nông, khuyến ngư góp phần xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua, hoạt động khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) đã giúp người dân nâng cao kiến thức trong sản xuất nông nghiệp (SXNN), giảm nghèo, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới (XDNTM). PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm KN-KN (thuộc Sở NN-PTNT), về vấn đề này.
Cán bộ khuyến nông khảo sát cánh đồng sản xuất lúa lai ở xã Nhơn An (thị xã An Nhơn).
* Xin ông cho biết về những kết quả trong công tác thông tin, huấn luyện, chuyển giao các tiến bộ KHKT cho nông dân do hệ thống KN-KN trong tỉnh thực hiện?
- Nhiều năm trở lại đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thời tiết, sâu bệnh phá hại cây trồng; giá vật tư, cây, con giống tăng, song SXNN tỉnh ta vẫn gặt hái được những thành công lớn. Đó là nhờ sự chỉ đạo kịp thời của các cấp, các ngành và sự đóng góp tích cực, đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của hệ thống KN-KN từ tỉnh đến cơ sở; sự nỗ lực của bà con nông dân. Trung bình mỗi năm, hệ thống KN-KN trong tỉnh tổ chức được 1.500 lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho trên 400 ngàn lượt nông dân, với nhiều hình thức tập huấn phù hợp, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Hàng năm, Trung tâm KN-KN cũng đã in và phát hành trên 20.000 tờ bướm hướng dẫn kỹ thuật phục vụ sản xuất...
Nhờ vậy, kiến thức và kỹ năng của người nông dân được nâng lên, giúp nâng cao tay nghề, trình độ sản xuất, bỏ thói quen, tập quán canh tác lạc hậu... Có thể nói, hoạt động KN-KN luôn được coi là bạn của nhà nông, là một mắt xích quan trọng giữa nông dân với nhà khoa học, nhà nước và nhà doanh nghiệp, giúp người dân nâng cao nhận thức, kiến thức về sản xuất nông nghiệp, làm tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác, giúp giảm nghèo, tăng thu nhập; qua đó góp phần tích cực thực hiện Chương trình XDNTM trên địa bàn tỉnh.
* Qua xây dựng các mô hình trồng trọt - chăn nuôi, những mô hình nào đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, được nông dân nhân rộng, thưa ông?
- Trong năm 2012, Trung tâm đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh xây dựng 30 mô hình, điểm trình diễn trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản mang lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao phù hợp với từng vùng sinh thái khác nhau. Các mô hình KN-KN được thực hiện hiệu quả tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như: xây dựng cánh đồng mẫu lớn kết hợp với đưa phương tiện cơ giới vào thu hoạch; mô hình chuyển đổi từ sản xuất 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ lúa/năm; mô hình trồng bắp non làm thức ăn gia súc; sản xuất lúa lai vùng khó khăn lương thực; chăn nuôi gà an toàn sinh học; nuôi vỗ béo bò; nuôi cá lồng trong hồ chứa; nuôi cá vược trong ao tôm suy thoái…
Qua đánh giá tổng kết, hầu hết các mô hình KN-KN đều triển khai đúng tiến độ, đạt năng suất, hiệu quả cao. Đáng lưu ý là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm, mang lại hiệu quả cao. Trung tâm đã xây dựng thành công hàng chục mô hình luân canh cây trồng cạn để nhân ra diện rộng như: đậu phụng xen ớt - bắp lai tại Vĩnh Thạnh; đậu phụng vụ Đông Xuân - hành vụ Hè - bắp vụ Mùa tại Phù Cát, đậu phụng xen mì tại Vân Canh, Phù Cát…, kết quả mang lại rất khả quan, lợi nhuận bình quân trên 50 triệu đồng/ha/năm, tăng gấp 3-4 lần so với sản xuất lúa. Hoặc như mô hình chuyển đổi từ sản xuất 3 vụ lúa bấp bênh/năm sang 2 vụ ăn chắc được thực hiện tại các huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước, Phù Mỹ, Hoài Ân…, trên diện tích chuyển đổi được sản xuất bằng các giống lúa lai như: Bio 404, Nam Ưu 605, CRN 02, PAC 807… cho năng suất cao, trên 75 tạ/ha.
* Trong năm 2013, Trung tâm KN-KN sẽ triển khai các hoạt động gì để giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả, tăng thu nhập?
- Trong năm nay, nguồn vốn đầu tư cho công tác KN-KN của tỉnh và Trung ương gần 2,85 tỉ đồng. Với nguồn kinh phí trên, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng 16 mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản để chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, nhất là mô hình thâm canh cây lúa nước ở các huyện miền núi; nhân giống lúa mới; chuyển đổi cơ cấu cây trồng với các công thức luân canh, thâm canh đạt hiệu quả; nuôi chình trong ao đất; nuôi hàu, nuôi cá đối mục trong ao tôm suy thoái; nuôi bò thịt chất lượng cao…
Để công tác KN-KN mang lại hiệu quả tích cực, bên cạnh việc xây dựng các mô hình trình diễn, Trung tâm KN-KN sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chuyển giao KHKT trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đáp ứng đúng yêu cầu của nông dân và thực tế sản xuất; từng bước chuyển từ hình thức KN-KN chiều rộng sang chiều sâu, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Trung tâm sẽ đẩy mạnh việc liên kết giữa “4 nhà” để giúp nông dân tăng thu nhập…
NGUYỄN HÂN (Thực hiện)