Cảnh giác với nạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản không mới nhưng tinh vi và đa dạng hơn khi sử dụng cùng lúc nhiều phương thức để đánh vào sự cả tin, hám lợi của bị hại để chiếm đoạt tài sản.
Đủ kiểu lừa
Ngày 30.12.2021, Phòng Cảnh sát hình sự, CA tỉnh phối hợp với CA TP Đà Nẵng đã bắt gọn đối tượng Nguyễn Thanh Sơn (SN 1990, TP Quy Nhơn) khi đang lẩn trốn tại phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Sơn là một trong 3 đối tượng chính lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền trên 3 tỷ đồng mà cơ quan CSĐT CA tỉnh đã khởi tố và bắt giữ trước đó.
Cụ thể, nhóm của Sơn thành lập nhiều công ty và mở đồng thời nhiều tài khoản để thực hiện lừa đảo bằng cách vay tiền từ những cá nhân, đơn vị (ngoài ngân hàng) cho vay để đáo hạn ngân hàng. Trong vụ án này, Trần Quân (SN 1987, huyện Phù Cát) là người trực tiếp làm thủ tục vay, thực hiện việc đàm phán và làm thủ tục ủy nhiệm chi với nạn nhân khi 2 bên tiến hành giao dịch tiền tại ngân hàng. Còn Sơn là người đồng đứng tên tài khoản và cài đặt internet banking với Quân trên điện thoại; khi nạn nhân chuyển tiền thành công vào tài khoản của Quân đăng ký tại ngân hàng, thì ở bên ngoài, ngay lập tức Sơn tiến hành chuyển tiền đi, còn Quân thì vẫn ở trong ngân hàng với nạn nhân và vờ đi qua đi lại để nghe điện thoại, sau đó tận dụng cơ hội bỏ chạy ra ngoài; Phạm Thanh Hiếu (SN 1989, TX An Nhơn) có nhiệm vụ đợi sẵn xe bên ngoài để cùng nhau tẩu thoát. Tại cơ quan chức năng, các bị can khai nhận, đối tượng mà nhóm hướng tới là các đơn vị, cá nhân cho vay tiền ở địa phương khác; sau đó liên hệ và cung cấp thông tin cá nhân, hợp đồng kinh tế khống của mình để làm tin, khi 2 bên thỏa thuận được thì sẽ chọn ngân hàng do các đối tượng chỉ định để giao dịch.
Khi gặp hành vi có dấu hiệu nghi lừa đảo, nên báo ngay cho cơ quan CA. - Trong ảnh: Cơ quan CA tiếp nhận 1 trường hợp khai báo mình nhận được cuộc điện thoại thông báo lái xe gây tai nạn chết người và yêu cầu đóng tiền để xác minh. Nghi ngờ nên anh này đã đến CA trình báo. Ảnh: K.A
Trong khi đó, bị can Nguyễn Thị Hiền (SN 1984, tỉnh Đắk Lắk) vừa bị Phòng Cảnh sát hình sự, CA tỉnh phối hợp CA tỉnh Đắk Lắk bắt giữ lại cấu kết với người nước ngoài để kết bạn trên mạng xã hội. Sau khi tạo được lòng tin thì ngỏ ý tặng quà có giá trị, ngoại tệ rồi tiến hành chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Hiền khai nhận: Nhiệm vụ của tôi là tìm thông tin cá nhân, sim điện thoại rác để đồng bọn giả danh là nhân viên của công ty giao hàng, sân bay, ngân hàng thông báo với bị hại và yêu cầu các bị hại nộp phí để nhận hàng.
Không chỉ vậy, tội phạm lừa đảo còn thông qua mạng internet xâm nhập địa chỉ email của các công ty, DN đánh cắp thông tin mua bán giữa công ty với đối tác nước ngoài, rồi tạo địa chỉ email gần giống email chính và yêu cầu bên mua hàng chuyển tiền thanh toán vào tài khoản của chúng. Ngoài ra, đối tượng còn lợi dụng các kênh đầu tư tiền ảo, sân chơi game để lừa đảo. Như trường hợp đối tượng Nguyễn Quang Đạt (SN 1998, tỉnh Quảng Trị) chiếm đoạt tài sản người khác bằng cách tạo các trang web đăng tải các cuộc thi trên truyền hình và kêu gọi mọi người truy cập vào link để ủng hộ. Nhưng khi nạn nhân nhấp vào link này thì quyền truy cập tài khoản bị mất và Đạt truy cập để chiếm đoạt hơn 536 triệu đồng, trong đó nạn nhân tại Bình Định cũng không ít.
Cảnh giác để không bị lừa
Theo cơ quan chức năng, phương thức và thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà lực lượng tiếp nhận, xử lý và truy bắt gần đây không mới, song nhiều người vẫn “sập bẫy”. Bởi, ngoài sự tinh vi của tội phạm thì sự cả tin và thiếu hiểu biết pháp luật của nạn nhân chính là mồi ngon để tội phạm thực hiện trót lọt hành vi phạm tội. Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Đội trưởng Đội Phòng ngừa đấu tranh và hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, Phòng Cảnh sát hình sự, CA tỉnh, đánh giá: Tội phạm này đang có chiều hướng phức tạp, số tiền trong từng vụ án thường lớn và kéo theo nhiều bị hại. Và có không ít bị hại rất lâu sau đó mới trình báo cơ quan CA; việc xác minh, truy bắt cũng gặp nhiều khó khăn vì tội phạm không chỉ là người Việt Nam mà còn ở nước ngoài. Tuy vậy, bằng quyết tâm cao, lực lượng đã bắt và làm rõ từng vụ việc lừa đảo. “Hành vi phổ biến của loại tội phạm này là đánh vào tâm lý hám lợi, cả tin của nhiều người thông qua hợp đồng kinh doanh, mua bán; dựa trên mối quan hệ quen biết, thậm chí là hù dọa có liên quan đến một đường dây tội phạm nào đó để chiếm đoạt tài sản”, trung tá Bình phân tích thêm.
Vậy nên, để không tạo cơ hội cho tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, mỗi người cần thường xuyên theo dõi các phương thức, thủ đoạn của tội phạm; trong đó đặc biệt chú ý đến việc bảo vệ thông tin cá nhân, mã OTP hoặc nhấp vào các đường link không chính thống... Đây chính là những kẽ hở ban đầu để các đối tượng xây dựng “kịch bản” đưa nạn nhân vào bẫy. Ngoài ra, những người sử dụng các tài khoản mạng xã hội, không nên kết giao với người lạ, nhất là đối tượng người nước ngoài khi chưa hiểu biết cụ thể. “Đặc biệt, người dân cần lưu ý, các cơ quan thực hành pháp luật khi làm việc với công dân đều có văn bản, giấy triệu tập đến trụ sở làm việc, không làm việc qua điện thoại, mạng xã hội và cũng không yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Nếu nhận thấy dấu hiệu lừa đảo tiền thì hãy báo ngay cơ quan CA để kịp thời phong tỏa tài khoản, truy tìm đối tượng...”, trung tá Bình khuyến cáo.
KIỀU ANH