Khắc phục ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc
(BĐ) - Chiều 8.1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến về việc tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các tỉnh biên giới phía Bắc. Tham dự tại điểm cầu Bình Định có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng.
Theo Bộ Công Thương, ngày 7.1, tổng số lượng xe còn tồn tại các cửa khẩu là 3.609 xe, giảm 2.150 xe so với ngày 25.12. 2021. Số lượng xe giảm phần lớn là chuyển tiêu thụ nội địa nhưng cũng có một phần chuyển sang xuất khẩu chính ngạch qua cửa khẩu Hữu Nghị, một phần chuyển qua xuất khẩu theo đường biển. Mặc dù các tỉnh biên giới đã liên tục khuyến cáo nhưng rải rác vẫn còn tình trạng tiếp tục đưa nông sản (chủ yếu là dưa hấu) lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), trung bình khoảng 10 xe/ngày.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, Bình Định có 2 loại nông sản (dưa hấu và ớt) được bán chủ yếu qua cửa khẩu các tỉnh phía Bắc sang Trung Quốc. Dưa hấu đang thực hiện giảm diện tích gieo trồng và trồng rải vụ; cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Thời gian thu hoạch từ tháng 5 đến tháng 8 hàng năm. Hiện 2 mặt hàng này của Bình Định không xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tại cuộc họp trực tuyến, các bộ, ngành, địa phương chỉ rõ nguyên nhân chủ quan là do những điểm yếu cố hữu của sản xuất và xuất khẩu nông sản của ta trong thời gian qua, đó là sản xuất nông nghiệp không theo tín hiệu, nhu cầu thị trường, xuất khẩu chủ yếu theo hình thức trao đổi cư dân (tiểu ngạch), không xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Các bộ, địa phương biên giới liên tục có khuyến cáo về tình hình ùn tắc tại các khu vực cửa khẩu nhưng thương nhân vẫn tiếp tục đưa hàng lên dẫn đến tình trạng ùn tắc ngày càng nghiêm trọng hơn.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung chủ động tổ chức các hội nghị cung cấp thông tin cho DN, nhà sản xuất, người dân để chủ động có phương án sản xuất, thu hoạch, bảo quản, đóng gói, vận chuyển và tiêu thụ phù hợp, hiệu quả. Khuyến cáo người dân, DN sản xuất theo nhu cầu thị trường, bảo đảm đáp ứng các quy trình, quy định, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu từ khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc để chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch đối với hàng nông sản. Tăng cường kết nối cung cầu, vận động hệ thống phân phối, tập đoàn bán lẻ, siêu thị đẩy mạnh việc thu mua, tiêu thụ nông sản, nhất là trái cây tươi trong chuỗi cung ứng; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, chú trọng giới thiệu, phân phối sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử. Triển khai hướng dẫn các nhà vườn, thương lái, DN thực hiện quy trình sản xuất đạt chuẩn, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 trong hoạt động sản xuất, đóng gói và vận chuyển nông sản, không có dấu vết Covid-19 trên bao bì hàng hóa.
HẢI YẾN