TRƯỜNG CĐ KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ QUY NHƠN:
Nhiều hoạt động nghiên cứu, sáng tạo
Tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ 12, năm 2020 - 2021, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có nhiều giải pháp tham dự đạt giải tại hội thi. Kết quả này là sự khẳng định cho phong trào nghiên cứu, sáng tạo KHKT trong nhà trường.
Khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo
Tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ 12, năm 2020 - 2021, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn có 7/9 giải pháp, sáng tạo kỹ thuật dự thi đạt giải. Giải pháp “Cẩm nang học nghề” của Th.S Nguyễn Quốc Vỹ đạt giải nhì trong lĩnh vực GD&ĐT. Giải pháp Phát triển module điều khiển giám sát thiết bị qua mạng internet sử dụng kết nối mạng wifi, mạng dữ liệu di động của kỹ sư Lương Thanh Long đạt giải ba trên lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông.
Trường cũng đạt 5 giải khuyến khích cho Mô hình hệ thống lạnh công nghiệp (Th.S Phan Văn Thảo và cộng sự Th.S Trần Hữu Huy); Máy thu gom vỏ lon, vỏ chai nhựa, tích hợp ứng dụng tích lũy điểm và đổi quà trực tiếp (Th.S Trần Hữu Huy, Phạm Văn Phát); Thiết kế, chế tạo mô hình hộp số tự động Toyota Vios phục vụ đào tạo (Th.S Trần Nhật Tuyên và cộng sự Th.S Phạm Văn Thống); Máy hàn điểm (1 phía) (Kỹ sư Nguyễn Thanh Sang và cộng sự Th.S Nguyễn Tấn Phúc); Đồ gá hàn cắt ống (Th.S Nguyễn Tấn Quý, Th.S Nguyễn Quốc Trưởng).
Theo ông Phạm Văn Tường - Phó Hiệu trưởng nhà trường, hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo các thiết bị kỹ thuật, các giải pháp hỗ trợ cho công tác đào tạo, ứng dụng vào thực tiễn là phong trào truyền thống, có tính thường xuyên của trường. Với mối quan hệ khắng khít với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh - Ban Tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh, nhà trường đặc biệt khuyến khích các nhà giáo có giải pháp, sáng tạo tham dự Hội thi.
Để thúc đẩy, khuyến khích các nhà giáo, Trường CĐ Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn xây dựng Quy chế về Nghiên cứu khoa học với cơ chế quy đổi kết quả nghiên cứu khoa học thành giờ chuẩn, khuyến khích giảng viên tham gia các hoạt động, cuộc thi nghiên cứu khoa học từ cấp khoa, trường đến cấp tỉnh, bộ, ngành… Các giải thưởng từ hoạt động nghiên cứu khoa học cũng là cơ sở để bình xét thi đua đối với nhà giáo.
Một số sáng tạo của trường cũng được tham gia các triển lãm sáng tạo trong nước, tạo cơ hội học hỏi, giao lưu, tích lũy kinh nghiệm. Đơn cử như năm 2021, trường có một số thiết bị, sáng tạo tham gia Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam VIIE 2021. Đó là các thiết bị: Máy đổi vỏ lon, vỏ chai lấy quà tặng tích hợp ứng dụng tích lũy điểm trên thiết bị di động; Robot công nghiệp tay gắp trong hệ thống cơ điện tử; Robot di động; Thiết bị giám sát thiết bị điện qua mạng internet.
Cải tiến, nâng cao tính ứng dụng
Hình thành trên cơ sở thực tiễn đời sống và thực tế đào tạo nghề nên các giải pháp, sáng tạo kỹ thuật tiếp tục được hoàn thiện, nâng cao, cải tiến sau mỗi giải thưởng.
Gắn bó với công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, giảng dạy kỹ năng mềm, khởi nghiệp của trường nhiều năm qua, Th.S Nguyễn Quốc Vỹ, tác giả giải pháp “Cẩm nang học nghề” có nhiều kinh nghiệm liên quan đến lĩnh vực này. Khi đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực lên công tác tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh, ông Vỹ bắt tay vào dự án “Cẩm nang học nghề” trên nền tảng web (camnanghocnghe.info), Facebook, Youtube với mục tiêu chia sẻ những tích lũy, hiểu biết, kinh nghiệm của mình đến với học sinh, sinh viên và cả phụ huynh. Thời điểm nộp giải pháp dự thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bình Định lần thứ 12, “Cẩm nang học nghề” mới chỉ có 100 clip. Hiện nay, tác giả tiếp tục cập nhật nội dung, sản xuất các clip mới với mục tiêu đạt được mốc 200 clip trong thời gian tới.
“Trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, tôi hy vọng giải pháp của mình sẽ trở thành một trong những kênh hữu ích giúp người trẻ tìm được thông tin mình cần một cách nhanh chóng, tiện lợi, đầy đủ”, ông Vỹ nói thêm.
Khởi điểm là một mô hình dự thi Hội thi thiết bị đào tạo tự làm cấp trường, cấp tỉnh, nhận thấy những ưu điểm của mô hình trong áp dụng vào thực tế đời sống, kỹ sư Lương Thanh Long, giảng viên khoa Điện tử - Tin học, đã phát triển thành giải pháp Phát triển module điều khiển giám sát thiết bị qua mạng internet sử dụng kết nối mạng wifi, mạng dữ liệu di động. Quá trình nghiên cứu, thiết kế giải pháp diễn ra trong vòng hơn 1 năm. Đến cuối năm 2019, giải pháp chính thức được đưa ra thị trường, trở thành một sản phẩm thương mại.
Bắt đầu với đối tác nhỏ trong TP Quy Nhơn, đến nay, giải pháp đã được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh lựa chọn. Năm 2020, tác giả đã bán được 263 bộ thiết bị với tổng trị giá 121 triệu đồng. Năm 2021, tác giả bán được 175 bộ thiết bị với trị giá hơn 104 triệu đồng. Kỹ sư Lương Thanh Long chia sẻ: “Trên nền tảng công nghệ lõi, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, phát triển thêm các bộ thiết bị phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách hàng trong thời gian tới”.
NGUYỄN MUỘI