Thị trường hàng tết ấm dần
Còn 3 tuần nữa đến tết Nguyên đán, đặc biệt từ ngày 5.1, khi UBND TP Quy Nhơn cho phép nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ được mở lại, nhiều tiểu thương trong tỉnh bớt lo lắng, vừa nhập hàng tết vừa tìm cách kinh doanh thích ứng an toàn với dịch.
Tiểu thương hy vọng mùa kinh doanh hàng tết sẽ khởi sắc.
- Trong ảnh: Một quầy hàng ở chợ Đầm (TP Quy Nhơn). Ảnh: HẢI YẾN
Trong tuần qua, tiểu thương ở các chợ bắt đầu phấn khởi hơn khi lượng người đến chợ mua sắm dần tăng lên, nhất là những ngày cuối tuần. Sau thời gian dài ế ẩm, thị trường quần áo, mỹ phẩm, giày dép… có dấu hiệu khởi sắc.
Bà Nguyễn Thị Hằng, chủ sạp quần áo tại chợ Mộc Bài, ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, cho biết: Tôi chưa dám nhập hàng nhiều vì thời điểm này người đi chợ chủ yếu vẫn xem hàng chứ chưa mua sắm gì mấy. Nếu từ nay đến Tết, nhu cầu mua sắm của người dân tăng, tôi sẽ nhập hàng về. Các mối sỉ cam kết không tăng giá nên tôi không dự trữ làm gì!”.
Các sạp hàng giày, dép, quần áo đẩy mạnh việc quảng bá, bán hàng trên mạng xã hội, thêm dịch vụ miễn phí giao hàng, điều kiện đổi trả hàng cũng rộng hơn. Khảo sát một số sạp hàng ở các chợ trong toàn tỉnh, điểm mới đáng ghi nhận là tiểu thương gần như không nói thách nữa, khi khách đồng ý mua thì tùy món sẽ bớt chút đỉnh, thái độ phục vụ cũng niềm nở, tận tình hơn.
Biết tâm lý khách hàng ngại tiếp xúc nơi đông người, tiểu thương đã linh hoạt trong cách thức bán hàng, tăng cường bán qua mạng, qua điện thoại, kết hợp bán ở chợ và ở nhà. Những người không có mặt bằng ở nhà thì liên kết với các tiểu thương khác bỏ hàng, chia lãi…, miễn sao tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.
Chị Nguyễn Thị Linh, chuyên bán mắm, đồ khô ở chợ Lớn mới, TP Quy Nhơn kể: “Tôi bán ở chợ còn em gái bán ở nhà. Để đáp ứng nhu cầu của khách, tôi bán thêm đủ loại mặt hàng tết như: Mực rim, cá rim, kiệu muối mắm, kiệu muối chua, tai heo ngâm chua ngọt… Khách cần đặt hàng bất cứ món gì đều được đáp ứng, giá cả phải chăng, chất lượng đảm bảo”.
Tại các điểm bán hàng ở nhà, tiểu thương đa dạng mặt hàng hơn. Có người lâu nay chỉ bán thịt heo, nay bán thêm thịt bò, thịt gia cầm… Người bán rau củ quả nay có thêm hải sản tươi sống, đồ khô. Đây là những cách để tiểu thương thích nghi trong điều kiện mới, góp phần hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh mà vẫn đảm bảo kinh doanh.
Bà Nguyễn Thị Nhỏ, Trưởng Ban quản lý chợ Lớn mới, TP Quy Nhơn cho biết: “Các tiểu thương ở chợ treo thêm các bảng hiệu với đầy đủ thông tin, số điện thoại để khi cần, người dân có thể đặt hàng và được giao tận nhà. Nhờ cách làm này, các tiểu thương tăng lượng khách hàng, đảm bảo nguồn thu nhập”.
Ban quản lý các chợ cũng đã xây dựng nhiều phương án để tiểu thương an tâm bám chợ trong tình hình dịch bệnh vẫn còn khá phức tạp. Nhờ tiểu thương linh hoạt, tình hình buôn bán đã khởi sắc hơn, ban quản lý các chợ đang lên kế hoạch phân lô, mở rộng lô để tiểu thương thuận lợi hơn trong bán hàng tết đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Mới đây, tại TP Quy Nhơn, Sở Công Thương phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội và Sở Công Thương các tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang, Tây Ninh và Sóc Trăng tổ chức hội nghị trực tuyến Kết nối cung cầu hàng hóa giữa các tỉnh, thành Bình Định - Hà Nội - Vĩnh Long - Hậu Giang - Tây Ninh - Sóc Trăng.
Đến nay, tình hình kinh doanh dịp tết Nguyên đán đang có những dấu hiệu khởi sắc. Bà Trần Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tại hội nghị kể trên, 21 biên bản ghi nhớ đã được ký kết trực tuyến giữa các nhà phân phối, thu mua ở Bình Định với các đơn vị cung cấp hàng hóa tại các đầu cầu Vĩnh Long, Hậu Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng; 13 biên bản ghi nhớ được ký trực tiếp giữa các nhà phân phối, thu mua với các đơn vị cung cấp hàng hóa trong tỉnh. “Chúng tôi hy vọng sau khi ký kết chương trình phối hợp, các DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh có cơ hội gặp gỡ, kết nối tiêu thụ hàng Việt, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa, khôi phục và thúc đẩy phát triển KT-XH, đồng thời hưởng ứng mạnh mẽ cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bà Tuyết nói.
HẢI YẾN