Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm lĩnh vực nông nghiệp: Chuyển biến tích cực từ nhà sản xuất
Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Bình Định (Nafiqad - BDI) - thuộc Sở NN&PTNT đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho cơ sở, đơn vị sản xuất, chế biến và tăng cường công tác quản lý chất lượng hàng hóa khi tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang cận kề.
Hoạt động sản xuất nem chả tại cơ sở Năm Thu, TP Quy Nhơn. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Theo đánh giá từ Nafiqad - BDI, hiện các cơ sở, DN sản xuất, chế biến sản phẩm đặc trưng từ nông lâm sản và thủy sản Bình Định đã chấp hành khá tốt các quy định an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Nhiều đơn vị đã đầu tư bài bản hệ thống máy móc, lựa chọn nguyên liệu an toàn; đồng thời thực hiện quy trình sản xuất ngày càng tối ưu để sản phẩm ra thị trường chất lượng tốt hơn. Năm 2021, Nafiqad - BDI và các đơn vị liên quan thuộc Sở NN&PTNT đã thực hiện giám sát 683 mẫu nông lâm thủy sản, kết quả mẫu chưa đạt chỉ chiếm 0,88%, giảm nhiều so với năm 2020. Các mẫu chưa đạt chủ yếu đều sử dụng chất phụ gia, chất bảo quản trong danh mục cho phép nhưng vượt ngưỡng. Qua kiểm tra, ngành chức năng đã tiến hành truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm không đảm bảo ATVSTP xử lý theo quy định của pháp luật, chỉ ra nguyên nhân và hướng dẫn cơ sở làm đúng.
Hiện, Sở Y tế phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Công Thương thành lập 3 đoàn liên ngành kiểm tra ATVSTP trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 tại các địa phương trong tỉnh theo Kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành tỉnh về ATTP. Thời gian kiểm tra từ ngày 4 - 20.1.
Trong quản lý chất lượng ATVSTP lĩnh vực nông lâm sản và thủy sản, mấu chốt không phải là hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử phạt của ngành chức năng mà ở việc thay đổi, chuyển biến từ đơn vị sản xuất. Ông Hồ Phước Hoàn, Chi cục trưởng Nafiqad - BDI, cho hay, so với trước đây, các nhà sản xuất ở Bình Định thay đổi tích cực, chú trọng vào ATVSTP để chinh phục người tiêu dùng. Lấy ví dụ từ mặt hàng đặc sản Bình Định nem chả, trong năm 2021, qua kiểm tra, các cơ sở sản xuất, chế biến nem chả truyền thống, đặc biệt là ở khu vực Tuy Phước, Tây Sơn, Hoài Nhơn, không phát hiện mẫu nào chứa hàn the. Cùng với đó, nhiều cơ sở sản xuất lớn hình thành chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm an toàn: Sử dụng thịt heo từ các trang trại được chứng nhận chăn nuôi an toàn sinh học - được giết mổ từ nhà máy giết mổ tập trung, chế biến tập trung khép kín. Sản phẩm đưa ra thị trường được đóng gói hút chân không, bảo quản đúng quy định, có tem truy xuất nguồn gốc.
Ông Lê Hoài Vũ, chủ cơ sở kinh doanh nem chả Chợ Huyện Olala, ở xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, cho hay, thời điểm tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ nem, chả, tré tăng lên rất nhiều. Để đảm bảo chất lượng, ATVSTP, nhà sản xuất phải chú trọng trong việc lựa chọn nguyên liệu đầu vào; thực hiện quy trình sản xuất tuân thủ các điều kiện ATVSTP.
Việc các nhà sản xuất từng bước thay đổi nhận thức có phần đóng góp rất lớn của hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quản lý chất lượng ATVSTP do Nafiqad - BDI thực hiện. Không chỉ có vậy, thời gian gần đây, Nafiqad - BDI phối hợp với một số đơn vị khác tổ chức hướng dẫn người dân nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong quá trình sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản; chủ động tổ chức xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, tập huấn tuyên truyền phổ biến các văn bản mới về ATTP trong các lĩnh vực quản lý chất lượng nông lâm thủy sản.
Theo ông Hoàn, để đảm bảo ATVSTP, việc cần thiết và lâu dài là xây dựng hệ thống chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2021, Nafiqad -BDI phối hợp với các địa phương thực hiện giám sát, kiểm tra và xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi; đến nay toàn tỉnh có 54 sản phẩm/30 cơ sở được chứng nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi.
THU DỊU