Phù Mỹ chú trọng tôn tạo, phát huy di tích lịch sử
Huyện Phù Mỹ hiện có 13 di tích lịch sử, trong đó có 1 di tích lịch sử cấp quốc gia và 12 di tích lịch sử cấp tỉnh. Thời gian qua, huyện Phù Mỹ luôn chú trọng đến công tác xây dựng, trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, thay lời tri ân đến chiến sĩ, đồng bào đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng quê hương.
Ông Nguyễn Ngọc Đắc, Trưởng Phòng VH&TT huyện cho biết, năm 2008, toàn huyện chỉ có 1 di tích lịch sử cấp quốc gia và 4 di tích lịch sử cấp tỉnh. Nhận thức việc khảo sát, đề xuất, trùng tu, bảo tồn các di sản, di tích trên địa bàn huyện là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, Phòng đã phối hợp với các địa phương tham mưu, nghiên cứu, sưu tầm, phục hồi, đề nghị công nhận di tích lịch sử trên địa bàn huyện. Đến nay, toàn huyện có 13 di tích lịch sử được công nhận, gồm 1 di tích cấp quốc gia và 12 các di tích cấp tỉnh. Ngoài ra, tại thị trấn Phù Mỹ còn có Nhà lưu niệm Chi bộ Trà Quang - chi bộ đảng cộng sản đầu tiên của huyện Phù Mỹ và cũng là một trong những chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh.
Khu chứng tích tội ác Mỹ - ngụy cầu Bình Trị - đập Cây Kê (thị trấn Phù Mỹ) đã được đầu tư tôn tạo bài bản. Ảnh: THANH TRỌN
Với kinh phí của Trung ương, tỉnh cấp cùng với phần của địa phương, Phù Mỹ đã đầu tư xây dựng, gia cố, tôn tạo các di tích. Có thể kể đến như khu di tích lịch sử Hố Đá Bàn (xã Mỹ An) được xây dựng, tôn tạo trên tổng diện tích 27.000 m2, kinh phí hơn 5 tỷ đồng (năm 2011). Năm 2018, huyện khởi công công trình nâng cấp, mở rộng Khu di tích chiến thắng Đèo Nhông - Dương Liễu với diện tích trên 73.800 m2, tổng kinh phí dự án gần 30 tỷ đồng, hiện đang bước vào giai đoạn cuối. Năm 2021, huyện chỉ đạo và giao cho hai xã Mỹ Hòa, Mỹ Hiệp triển khai tôn tạo, bổ sung, sửa chữa một số hạng mục của di tích Đèo Ngụy - Dốc Dài và di tích nơi an nghỉ của nhà y êu nước Bùi Điền.
Không chỉ có vậy, Phù Mỹ còn tích cực vừa bảo tồn vừa phát huy các giá trị của di tích vào đời sống, đặc biệt là trong giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ. Ông Châu Văn Tiến, Chủ tịch Hội CCB xã Mỹ Hiệp bồi hồi cho biết, trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, dân công tiếp vận, tải thương từ phía Đông và Bắc Bình Định vượt qua Đèo Ngụy chuyển hàng trăm tấn lương thực để phục vụ các chiến trường, góp phần quan trọng cho các chiến thắng An Khê, Măng Đen, Đắk Đoa… Đến kháng chiến chống Mỹ, để đảm bảo binh lương phục vụ kháng chiến lâu dài, vào cuối năm 1962 đầu năm 1963, Tỉnh ủy cho thành lập một cửa khẩu tiếp nhận và thu mua lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm tại Đèo Ngụy. Cửa khẩu Đèo Ngụy, còn gọi là “chợ Cửa khẩu” lúc đầu chỉ hoạt động ở thôn Vạn Phước, sau đó mở rộng trải dài các thôn Hữu Lộc, Vạn Thiện, Đại Thuận (xã Mỹ Hiệp), là một trong những cửa khẩu quan trọng nhất của tỉnh Bình Định thời bấy giờ. Việc chính quyền cho tôn tạo di tích này có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống cho thanh thiếu niên hôm nay.
Mới đây, UBND huyện cũng đã lập hồ sơ gửi Bảo tàng tỉnh đề nghị cho khảo sát để xây dựng 3 bia chứng tích trên địa bàn thị trấn Phù Mỹ, gồm: Nhà giam Phù Mỹ (thuộc Chi cảnh sát) - nay là Cơ quan CA huyện; Nhà giam Ban II Chi khu - nay là cơ quan Huyện ủy Phù Mỹ và Nhà lao Lò Nồi.
Ông Phan Hữu Duy, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ khẳng định, việc tôn tạo, bảo tồn, phát huy giá trị của di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện là cách mà huyện Phù Mỹ thể hiện sự tri ân đối với thế hệ đi trước, cũng là cách để huyện giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ hôm nay. Đặc biệt, để phát huy các giá trị của di tích, chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương quan tâm xây dựng, kết nối, hình thành các tour du lịch, phát triển các sản vật đặc trưng của địa phương, động viên nhân dân giữ gìn các làng nghề truyền thống, lễ hội truyền thống, tôn tạo cảnh quan để có thể phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế du lịch.
THANH TRỌN