Nón lá Thuận Hạnh tìm hướng phát triển mới
Làng nghề nón lá Thuận Hạnh, xã Bình Thuận (huyện Tây Sơn) ra đời và phát triển đến nay đã hơn 100 năm. Hiện toàn xã có hơn 300 hộ gắn bó với nghề, chủ yếu là bà con sinh sống ở thôn Thuận Hạnh.
Về Thuận Hạnh, đi dọc những con đường bê tông, thể nào cũng bắt gặp hình ảnh các bà, các chị ngồi chằm nón. Chị Bùi Thị Minh Thư, 39 tuổi, ở thôn Thuận Hạnh, bộc bạch: “Nghề làm nón lá diễn ra quanh năm, nhưng làm rộ nhất là cuối tháng 10 âm lịch đến ra Giêng. Lúc ấy, nhìn đâu cũng thấy cảnh làm nón, khoảnh đất ở đầu thôn, sân nhà… đều trở thành nơi làm nón”.
Năm nay 46 tuổi, chị Võ Thị Lễ, ở thôn Thuận Hạnh đã có hơn 30 năm chằm nón. Chị chia sẻ so với 10 năm trước, sản phẩm nón lá Thuận Hạnh hiện có đầu ra ổn định, dễ bán hơn; bởi mẫu mã, chất lượng nón lá bây giờ đa dạng, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Đáng mừng, người dân ở làng nghề hiện còn làm được nón Bắc (kiểu dáng gần giống chiếc mũ cối), nón bài thơ, nón Quang Trung… Trong khi chừng 10 năm trước, nón lá Thuận Hạnh chỉ đơn điệu ở sản phẩm nón lá trắng.
Chị Bùi Thị Minh Thư chằm nón. Ảnh: TRỌNG LỢI
Dường như chiếc nón lá theo suốt cuộc đời người dân ở địa phương, nhất là với bà con thôn Thuận Hạnh. Ở đây, lứa thiếu niên đến người già đa phần đều biết làm nón lá. Nón lá Thuận Hạnh làm từ lá kè, vành nón làm bằng tre. Nan đan sườn chuốt từ cây giang hoặc cây lồ ô. Một chiếc nón lá hoàn chỉnh trải qua 7 công đoạn từ vuốt lá, vót nan, làm khuôn nón, xoay lá trên khuôn nón, chằm nón, nức vành và buộc quai nón làm sườn.
Chủ tịch UBND xã Bình Thuận Đặng Văn Hiền cho hay: Nón lá Thuận Hạnh vừa được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là động lực để người dân gìn giữ nghề truyền thống cha ông để lại. Tuy vậy, để nón lá Thuận Hạnh phát triển bền vững trong thời gian đến thì việc quy hoạch vùng nguyên liệu, quảng bá sản phẩm đến với công chúng, nâng tầm sản phẩm từ vật dụng che mưa, che nắng trở thành quà lưu niệm phục vụ du lịch; đặc biệt là khảo sát, xây dựng làng nghề nón lá Thuận Hạnh trở thành điểm du lịch cộng đồng kết nối Bảo tàng Quang Trung là những phần việc quan trọng cần được ngành Văn hóa, Du lịch quan tâm, hỗ trợ. Có như vậy, làng nghề nón lá Thuận Hạnh mới phát triển bền vững…
TRỌNG LỢI