Hiệu quả từ cây tre điền trúc ở Vân Canh
Năm 2007, Hội Làm vườn huyện Vân Canh xây dựng mô hình trồng tre điền trúc lấy măng, và chọn hộ của chị Nguyễn Thị Quê, ở thôn 2 thị trấn Vân Canh, để làm mô hình. Sau 2 năm trồng tre điền trúc, thu hoạch măng để bán, chị Quê đã trả hết vốn đầu tư ban đầu và có lãi.
Một vườn tre điền trúc ở Vân Canh. Ảnh: Q.HƯNG
Chị Quê cho biết: “Cây tre điền trúc dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, không có sâu bệnh, phát triển tốt, cho thu nhập ổn định từ việc bán măng tươi. Tôi cũng tạo điều kiện cho giống và hướng dẫn cho các hộ khác trồng tre điền trúc trên đất vườn nhà, vừa chống xói mòn, giữ được đất, vừa lấy măng để ăn và bán. Măng tre dễ trồng, dễ bán, dễ chăm sóc mà chi phí đầu tư thấp. Nếu trồng từ 1-10 bụi tre là có thu hoạch, trước là cải thiện bữa ăn hàng ngày, sau đem bán lấy tiền để có tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Bình quân mỗi gốc cho từ 5-12 búp măng, mỗi búp măng lớn nặng 2-3kg, giá bán hiện tại bình quân 15.000 đồng/kg”.
Ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn huyện Vân Canh, cho biết: “5 năm qua, trên địa bàn huyện Vân Canh, từ mô hình trồng tre điền trúc ban đầu, đến nay đã có trên 150 hộ nông dân trồng tre điền trúc lấy măng, với quy mô mỗi hộ từ 50- 200 gốc. Ngoài ra, còn rất nhiều hộ trồng từ 1-10 gốc ở đất vườn thừa ven nhà. Cây tre điền trúc trên đất Vân Canh đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ ở địa phương”.
Có thể nói rằng, việc xây dựng mô hình trồng tre điền trúc lấy măng ở Vân Canh đã mở ra một hướng đi mới cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn huyện về chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương.
QUANG HƯNG