Giáo viên “so tài” giữa mùa dịch
Giáo viên tại các huyện, thị xã, thành phố đang bước vào cuộc “so tài” tại hội thi giáo viên dạy giỏi bậc tiểu học và giáo viên chủ nhiệm giỏi bậc THCS. Ðây là dịp sinh hoạt chuyên môn, tạo điều kiện cho giáo viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giảng dạy, chủ nhiệm lớp, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Trong tình hình dịch Covid-19 hiện nay, học sinh vừa học trực tuyến vừa học trực tiếp, nếu không đổi mới hình thức, nội dung thì tiết sinh hoạt lớp biến thành những khung giờ nhàm chán. Vì thế, giáo viên chủ nhiệm thực hiện quy trình chung tổng kết lớp và đưa ra phương hướng với sự hỗ trợ công nghệ tính điểm thi đua ở khâu tổng kết, gửi kết quả cụ thể của học sinh qua nhóm tổ. Giáo viên chủ nhiệm làm việc riêng với từng học sinh có vi phạm, không phê bình cụ thể trước lớp, cách làm này tế nhị, tôn trọng học sinh.
Tiết sinh hoạt lớp dự thi về giáo dục kỹ năng phòng, chống dịch Covid-19 cho học sinh của cô giáo Nguyễn Thị Quỳnh Trang (Trường THCS Lê Hồng Phong, TP Quy Nhơn). Ảnh: M.H
Đó là cách tổ chức giờ sinh hoạt lớp trong giải pháp “Nâng cao hiệu quả công tác chủ nhiệm trong tình hình dịch Covid-19” của cô Mai Thị Thúy Hồng, Trường THCS Đống Đa khi tham gia hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi TP Quy Nhơn, diễn ra từ cuối tháng 12.2021 đến nay.
“Tại Quy Nhơn, dạy học trực tuyến là giải pháp thích ứng với dịch Covid-19. Hình thức dạy học này có nhiều ưu điểm song còn quá mới mẻ với thầy lẫn trò, đặt ra không ít thách thức, trong đó có công tác chủ nhiệm lớp. Để đáp ứng trạng thái bình thường mới, hình thức học tập mới, cách quản lý lớp của chủ nhiệm cũng phải thay đổi”, cô Hồng chia sẻ.
Cũng hướng vào chủ điểm “nóng” là dịch Covid-19, tiết sinh hoạt lớp của cô Nguyễn Thị Quỳnh Trang, Trường THCS Lê Hồng Phong, đặt vấn đề về giáo dục kỹ năng cho học sinh. Dưới hình thức tổ chức đố vui để học, lớp chia thành 4 tổ tham gia 4 phần thi (khởi động, vượt chướng ngại vật, tăng đốc và về đích) giúp không khí tiết sinh hoạt nhẹ nhàng, truyền tải được thông điệp phòng, chống dịch Covid-19 đến học sinh.
Hiệu trưởng Trường THCS Lê Hồng Phong Nguyễn Thị Kim Anh cho hay, hội thi tạo động lực phấn đấu, cơ hội cho giáo viên tự nghiên cứu và trau dồi kiến thức, đổi mới và áp dụng phương pháp giáo dục phù hợp với tình hình từng lớp cụ thể. Điều này cũng giúp nâng cao chất lượng công tác chủ nhiệm lớp của nhà trường, đặc biệt nâng cao hiệu quả giáo dục, rèn luyện cho học sinh nhiều kỹ năng để đáp ứng với tình hình hiện tại.
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ÐT Phan Thanh Liêm, sự thay đổi về cách thức tổ chức hội thi vừa đánh giá năng lực nghề nghiệp, đánh giá giờ dạy, hoạt động giáo dục, vừa đánh giá việc rút kinh nghiệm từ hoạt động giảng dạy và giáo dục để có báo cáo biện pháp chia sẻ kinh nghiệm. Như vậy, sẽ đánh giá được quá trình giảng dạy, giáo dục học sinh của giáo viên và việc công nhận giáo viên giỏi mới xác thực.
Các hội thi này diễn ra 2 năm/lần ở cấp huyện và 4 năm/lần ở cấp tỉnh. Năm học 2021 - 2022, Sở GD&ĐT tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi bậc tiểu học cấp tỉnh và giáo viên chủ nhiệm giỏi bậc THCS cấp tỉnh trong tháng 3.2022. Các hội thi cũng được đổi mới tổ chức theo Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Phước Sơn Giả Tấn Trọng cho rằng, đây là sinh hoạt chuyên môn sâu rộng, đặc biệt khi giáo dục đứng trước yêu cầu cấp thiết về đổi mới phương pháp dạy học của chương trình giáo dục phổ thông mới. Sau hội thi, mỗi thầy cô giáo ấy lại trở thành một cán bộ cốt cán về phương pháp.
Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc duy trì tổ chức các hội thi là nỗ lực lớn của ngành GD&ĐT. Trưởng Phòng GD&ĐT TX An Nhơn Lâm Lăng Long cho biết, đây là một trong những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, công tác chủ nhiệm lớp ở các bậc học, từ đó các trường có định hướng, xây dựng kế hoạch và chỉ đạo giáo viên nâng cao việc tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
MAI HOÀNG