Gia tăng vòng đời cho nhựa
Mỗi năm, cơ sở sản xuất của ông Đào Tấn Lực (65 tuổi, ở thôn Vĩnh Bình, xã Mỹ Phong, huyện Phù Mỹ) thu mua hàng tấn phế phẩm nhựa từ các vựa ve chai trên địa bàn huyện để tái chế thành các vật dụng trong cuộc sống hằng ngày như thùng đựng nước, gàu múc nước, bình tưới nước.
Ông Lực đến với nghề này đã hơn 20 năm. Trước đây, lượng hàng do nhà ông sản xuất ra thị trường lên đến vài nghìn cái mỗi tháng, tuy nhiên nay đã giảm nhiều do việc tưới nước trong sản xuất nông nghiệp đã được cơ giới hóa, tự động hóa. Hiện tại, lượng hàng bán ra mỗi tháng không nhiều và ổn định như trước, tháng ít vài chục cái, tháng nhiều 500 - 1.000 cái, đi các thị trường như Hoài Nhơn, An Nhơn, Quảng Ngãi. Giá bán buôn là 5.000 đồng/cái đối với gàu và 12.000 đồng/cái đối với bình tưới có vòi.
Ông Đào Tấn Lực đang hoàn thiện sản phẩm bình tưới có vòi làm từ phế phẩm nhựa. Ảnh: BẢO NGÂN
Quy trình sản xuất một sản phẩm trải qua 3 khâu chính điều khiển bằng máy là nung nóng chảy nhựa phế phẩm thành hỗn hợp bột nhựa dẻo, cho hỗn hợp này vào máy tạo thành hình ống tròn, sau đó cắt theo kích thước cần làm rồi lắp vào khuôn máy. Để cho ra 1 sản phẩm sẽ mất khoảng 5 - 7 phút. Trung bình cơ sở sản xuất khoảng 200 sản phẩm/ngày.
Cơ sở sản xuất của ông Lực đang có 7 khuôn máy sản xuất gàu, 4 khuôn máy sản xuất bình tưới có vòi và 2 máy khuôn sản xuất thùng nước. Tuy đang giảm công suất do nhu cầu thị trường giảm, nhưng cơ sở của ông đã và đang góp phần vào việc xử lý rác thải nhựa trên địa bàn, đồng thời tạo thu nhập cho 5 - 7 lao động “ruột” đã gắn bó với cơ sở cả chục năm qua.
BẢO NGÂN