Phát hiện ô nhiễm vi nhựa ở đầm Thị Nại
Nghiên cứu khoa học của Trường ĐH Quy Nhơn tìm thấy vi nhựa trong cơ thể nhiều loại sinh vật thủy sinh ở đầm Thị Nại của Bình Định, với mật độ cao.
Nghiên cứu “Ô nhiễm vi nhựa ở sò huyết phân bố ở đầm Thị Nại, tỉnh Bình Định” của TS Võ Văn Chí (giảng viên khoa Khoa học Tự nhiên) và Võ Thị Ngọc Quyên (học viên cao học ngành Sinh học thực nghiệm, khoa Khoa học Tự nhiên) tìm thấy hai dạng vi nhựa tồn tại trong ống tiêu hóa của sò huyết. Đó là vi nhựa dạng sợi, chủ yếu có chiều dài trong khoảng 500 - 2.100 micromet và vi nhựa dạng mảnh, hầu hết có diện tích dao động từ 45.000 - 400 nghìn micromet vuông. Mật độ tích tụ vi nhựa trong ống tiêu hóa của sò huyết là 13 vi nhựa/cá thể ở mùa nắng và 3,26 vi nhựa/cá thể ở mùa mưa.
Vi nhựa có nguồn gốc từ các loại rác thải nhựa do con người thải ra môi trường, trong đó có nguyên nhân từ các hoạt động đánh bắt thủy sản. Ảnh: HỒNG HÀ
Theo các tác giả, sở dĩ có sự khác biệt về mức độ ô nhiễm giữa hai mùa như vậy có thể do những yếu tố thủy văn chi phối. Đầm Thị Nại là nơi đổ vào của hai con sông - sông Côn và sông Hà Thanh. Vào mùa mưa, hai sông này đổ vào đầm một lượng nước rất lớn, kèm theo dòng chảy mạnh, do vậy có thể cuốn theo vi nhựa từ vùng thượng nguồn vào đầm. Tuy nhiên, do dòng chảy mạnh nên có thể cuốn trôi vi nhựa ra biển mà không lắng tụ trong đầm hoặc lắng tụ chỉ một lượng nhỏ. Hiện tượng này ngược lại vào mùa nắng, tức là dòng chảy từ sông vào đầm nhẹ, vi nhựa dễ dàng lắng tụ trong đầm. Vì vậy, với đặc tính sống đáy và ăn lọc của sò huyết, khả năng ăn vào vi nhựa ở mùa nắng cao hơn mùa mưa là rất có cơ sở.
Hầu như rác thải nhựa do con người xả thải cuối cùng sẽ đi vào biển và đại dương. Một số rác thải phải mất từ 500 - 600 năm mới phân hủy. Vi nhựa tồn tại trong thức ăn, nước uống, không khí, muối ăn... của con người. Nó là nguyên nhân gây áp lực cho quá trình ô xy hóa và gây độc tính cho các tế bào, dẫn đến kích hoạt nhiễm trùng, suy giảm hệ miễn dịch, rối loạn quá trình nội tiết cho người bị phơi nhiễm.
Chị Võ Thị Ngọc Quyên cho biết: Đầm Thị Nại là đầm lớn thứ hai trong số các đầm phá ở Việt Nam, hệ sinh thái đa dạng. Sò huyết là một trong những loài động vật thân mềm có giá trị sinh sống ở đầm Thị Nại, là loại hải sản ưa thích của nhiều người dân, được tiêu thụ rộng rãi. Do đó, nếu loài này bị nhiễm vi nhựa thì có thể gây ra những tác động lớn đối với con người.
Ngoài nghiên cứu trên, TS Võ Văn Chí còn hướng dẫn các học viên cao học tiến hành những nghiên cứu khác, đánh giá mức độ ô nhiễm vi nhựa trong các nhóm, loài thủy sinh vật như: Cá, động vật giáp xác, động vật thân mềm... ở đầm Thị Nại và các vùng ven biển Bình Định; đồng thời, đánh giá ô nhiễm vi nhựa trong môi trường nước và môi trường đáy ở các hệ sinh thái ven biển, sông, hồ...; đánh giá tác hại của vi nhựa đến một số loài thủy sinh vật. Hầu hết các nghiên cứu đều xác định vi nhựa trong cơ thể nhiều loại sinh vật thủy sinh ở Bình Định với mật độ cao.
Nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Quy Nhơn do TS Võ Văn Chí đứng đầu là một mắt xích của mạng lưới nghiên cứu vi nhựa do Viện Nghiên cứu Phát triển Pháp (IRD) triển khai. Dự án thực hiện đánh giá nồng độ vi nhựa trong môi trường nước và trầm tích ở dọc vùng ven biển của Việt Nam cũng như khu vực Đông Nam Á. Dự án được tiến hành từ năm 2019 - 2021, đến nay tuy đã kết thúc nhưng các thành viên của nhóm nghiên cứu của Trường ĐH Quy Nhơn vẫn tiếp tục mở rộng nghiên cứu đánh giá vi nhựa trên các sinh vật thủy sinh.
TS Võ Văn Chí cho biết: “Nghiên cứu đánh giá ô nhiễm vi nhựa là hướng nghiên cứu mới ở Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng, khởi xướng trong khoảng 2 năm gần đây. Số lượng nghiên cứu về vi nhựa ở Việt Nam hiện rất ít, chủ yếu thực hiện trong môi trường nước và trầm tích. Trường ĐH Quy Nhơn có thể xem là một trong những đơn vị tiên phong thực hiện nghiên cứu về ô nhiễm vi nhựa trên sinh vật thủy sinh tại Việt Nam”.
Các nghiên cứu sẽ góp phần cung cấp những bằng chứng khoa học, giúp cho việc triển khai các dự án cộng đồng về giảm thiểu rác thải nhựa thông qua thay đổi nhận thức của cộng đồng hiệu quả hơn. Ngoài ra, nghiên cứu còn giúp các nhà hoạch định chính sách hiểu rõ hơn và đưa ra những biện pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa cũng như giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến sức khỏe con người.
TS Chí cho biết: Trong thời gian tới, nhóm tiếp tục thực hiện các nghiên cứu tương tự ở các vùng khác nhau trong tỉnh và các tỉnh lân cận; đồng thời, có thể phối hợp với các dự án cộng đồng để nâng cao nhận thức cộng đồng về việc ô nhiễm cũng như tác hại của rác thải nhựa.
HỒNG HÀ