Thêm một vụ mùa đậu phụng bội thu
Vụ thu hoạch Đông Xuân 2020 - 2021, nông dân xã Bình Thuận, huyện Tây Sơn phấn khởi gặt hái một vụ đậu phụng bội thu. Vụ này, bên cạnh sử dụng giống đậu phụng chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, bà con nông dân còn chủ động áp dụng phương pháp hữu cơ sinh học vào sản xuất. Nhờ đó, năng suất, sản lượng đậu phụng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Những đổi thay ở Bình Thuận bắt đầu từ năm 2019, khi Liên hiệp các hội KH&KT tỉnh triển khai dự án nâng cao năng lực sản xuất đậu phụng tại các vùng sản xuất đậu thích ứng biến đổi khí hậu (do Quỹ Môi trường toàn cầu hỗ trợ chi phí). Tham gia dự án, các hộ nông dân ở Bình Thuận đã được hỗ trợ kỹ thuật sản xuất đậu phụng theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng phương pháp sản xuất hữu cơ sinh học trên cây trồng thay thế phương pháp truyền thống. Kết quả mang lại giúp tăng năng suất, chất lượng đậu và góp phần giúp nông dân địa phương từng bước thay đổi tư duy sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Lê Quang Tình, đại diện nhóm chuyên gia dự án cho biết: Vụ mùa năm nay, chúng tôi hướng dẫn người dân sử dụng giống đậu phụng L14 và LDH.01 là giống đậu kháng vừa với bệnh héo xanh nên trong canh tác giảm chi phí đầu tư thuốc bảo vệ thực vật và giảm thiểu tồn dư. Đồng thời, ứng dụng thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP); tăng cường bón phân hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học Tricoderma để xử lý phân chuồng trước khi bón lót, bón vôi; tưới nước theo phương pháp tiết kiệm phun mưa; quản lý dịch hại theo phương pháp tổng hợp; kết hợp cơ giới hóa từ làm đất trỉa hạt, tưới phun đến thu hoạch... Việc tăng cường phân hữu cơ trong đất giúp tăng khả năng giữ nước, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Bà Trần Thị Lưu, hộ dân tham gia dự án chia sẻ: “Dù thời tiết đầu vụ bất lợi, rét lạnh kéo dài, nhưng nhờ được chăm sóc tốt, năng suất vườn đậu của gia đình tôi đạt khoảng 50 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Tham gia dự án, tôi còn được hướng dẫn cách chăm sóc, bón phân hợp lý, nhờ đó hạn chế được tình trạng chết ẻo trên cây đậu. Đồng thời, sử dụng chế phẩm sinh học giúp tăng năng suất đậu, số trái trên bụi và tỷ lệ hạt chắc. Trồng đậu mang lại giá trị kinh tế cao nên ở vùng này bà con chuyển sang làm đậu hết, không ai làm lúa nữa”.
Theo thống kê của Ban điều hành dự án, vụ Đông Xuân 2020- 2021, nông dân Bình Thuận tham gia dự án trồng đậu phụng đạt năng suất bình quân 47,3 tạ/ha, tăng 1,3 tạ/ha so với vụ Đông Xuân 2019 - 2020, tăng gần 5 tạ/ ha so với đậu phụng trồng theo phương thức canh tác cũ. Sản phẩm đậu phụng trồng ra có hạt to và chắc đều, được cơ sở Thành Mười bao tiêu thu mua để ép dầu, với giá cả ổn định.
Năm 2010, Bình Thuận có 20% hộ nghèo, nay chỉ còn 3%. Thay đổi này có phần đóng góp không nhỏ của cây đậu phụng. Và Bình Thuận từ một vùng đất cằn cỗi trở thành thủ phủ đậu phụng của huyện Tây Sơn.
KHÁNH LINH